Giữa trăm nghề em chọn nghề gác chắn

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
Xã hội 22/10/2015 11:10

Người ta thường nói, nghề chọn người chứ người không chọn được nghề, ngẫm ra thế mà đúng.

DSC_0057
Giữa trăm nghề em chọn nghề gác chắn

Người ta thường nói, nghề chọn người chứ người không chọn được nghề, ngẫm ra thế mà đúng. Tại sao lại chọn nghề này? Sao không làm nghề kia?... Băn khoăn đó tôi cũng dành cho Lan - nữ gác chắn Cung chắn Phú Diễn, thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Thái. Đáp lại sự tò mò của tôi là nụ cười tươi rói và một câu trả lời rất hợp tình: “Đó là cái duyên rồi anh!”. Mà đúng là “duyên” thật khi gia đình Lan có tới 3 người đã và đang công tác trong ngành Đường sắt, Lan là người thứ 4. Ông ngoại Lan là cán bộ đường sắt đã nghỉ hưu, còn hai cậu ruột cũng đang công tác tại Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Thái. Cũng có thể gọi đó là truyền thống hay là một sự tiếp nối.

Sinh ra và lớn lên trên vùng quê xứ vải Thanh Hà - tỉnh Hải Dương, Lan cũng ấp ủ bao ước mơ hoài bão. Trong nhóm bạn thân, đứa thì học trường nọ, đứa thì học trường kia, chỉ có Lan là quyết định học nghiệp vụ chuyên ngành gác chắn tại Trường Trung cấp đường sắt trong thời gian ngắn để được đi làm ngay. Cũng phải mất bao đêm trằn trọc, Lan mới có thể sẵn sàng cho sự nghiệp đang chờ mình phía trước. Lan tâm sự: “Em là con thứ 3 trong gia đình, được bố mẹ nuông chiều, trước quyết định đi học nghề, em cũng rối bời lắm. Nhưng được sự động viên của ông ngoại, bố mẹ và người thân trong gia đình, em cũng thấy an lòng hơn. Nhưng đó là lúc em còn trẻ con thôi anh nhé, giờ công việc đã gắn bó với em như từng hơi thở. Mỗi chuyến tàu qua an toàn chúng em lại thấy lâng lâng khó tả, một cảm giác vinh dự và tự hào khi mình được đóng góp một phần nhỏ bé vào công tác giữ gìn trật tự ATGT đường sắt”.

Sinh năm 1993, là gác chắn trẻ tuổi nhất của Cung chắn Phú Diễn nhưng Lan không dựa dẫm vào các anh chị trong đơn vị. Lan luôn tâm niệm dù bất cứ khó khăn nào cũng phải vượt qua, các anh các chị làm được thì mình cũng phải quyết tâm làm bằng được. Công việc của một gác chắn không quá nặng nhọc về chân tay song thời gian làm việc trải dài không quản nắng mưa, khuya sớm. Bên cạnh đó, đây là công việc đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm và kỷ luật của người cán bộ phải rất cao bởi một sai sót có thể dẫn tới hậu quả khôn lường.

Một ca làm việc của Lan kéo dài 12 tiếng. Ca sáng bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 19h trong ngày. Ca tối bắt đầu từ 19h đến 7h sáng hôm sau. Công việc đặc thù của cán bộ gác chắn đòi hỏi sự nghiêm túc, kỷ luật nên khi nhận ca, việc đầu tiên là phải chỉnh đốn trang phục gọn gàng, bàn giao sổ sách, vật liệu, trang thiết bị, dụng cụ làm việc. Công việc được lặp đi lặp lại như vậy nhưng không vì thế mà Lan cũng như các chị em ở cung chắn buồn chán, ngược lại, với họ mỗi ngày là một niềm vui bởi công việc mang ý nghĩa xã hội và vì cộng đồng. Có lẽ tính chất công việc đã rèn giũa cho Lan sự cứng cáp và chín chắn so với tuổi 22. Với đồng lương của tay nghề lao động bậc 2, Lan cố gắng chi tiêu dè sẻn, tích cóp gửi về phụ giúp bố mẹ. Lan nói đó là trách nhiệm của con cái đối với gia đình, dù ít dù nhiều nhưng đó là tấm lòng thơm thảo dành cho những người đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn.

Gần 4 năm gắn bó với nghề, với Cung chắn Phú Diễn, Lan và đồng nghiệp đã chứng kiến và phải đối mặt với nhiều tình huống khi làm nhiệm vụ. Đó là việc người tham gia giao thông cố tình vượt gác chắn hoặc không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh của người gác chắn đường sắt. Nhiều trường hợp người đi đường còn nặng lời, lúc đó tuy tủi thân, ức chế nhưng chị em cũng phải kìm nén, nhẹ nhàng giải thích, tránh cãi vã hoặc xảy ra những điều không hay. Mỗi lần như vậy, Lan và các chị em ở đây đều tự nhủ, họ chưa hiểu được công việc của mình, mình hãy cứ làm đúng lương tâm và trách nhiệm, đảm bảo cho mỗi chuyến tàu đi qua được thông suốt và an toàn.

Với đặc thù công việc làm theo ca kíp nên cô cũng có thời gian cho riêng mình. Nhìn bạn bè sánh đôi, nhiều lúc Lan cũng muốn nắm lấy một bàn tay để được sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống. Nhưng với Lan, cô cần một người đàn ông phải thực sự cảm thông, cùng gánh vác công việc gia đình. “Trong giờ làm việc, nhiệm vụ của chúng em là không được rời nhiệm sở, vì vậy, công việc nhà phải trông cậy nhiều vào người thân trong gia đình. Tìm được người bạn đời yêu mình, hiểu công việc mình thì cuộc sống sau này sẽ đỡ vất vả hơn”, Lan tâm tình.

Sau phút trải lòng, Lan lại trở về với sự tự tin, năng động của một Bí thư đoàn Cung chắn. Đoàn Thanh niên Cung chắn Phú Diễn có hơn 20 đoàn viên hoạt động trên địa bàn từ Lam Hồng đến Đại Mỗ. Là thủ lĩnh công tác Đoàn, Lan luôn gương mẫu trong công việc cũng như các phong trào hoạt động. Lan bộc bạch: “Khi mới bắt đầu nhận chức vụ Bí thư Đoàn, em nghĩ nó không khó khăn như mình tưởng tượng, nhưng khi bước chân vào mới thấy được cảnh làm dâu trăm họ là như thế nào”. Nhưng cũng chính từ đây, Lan đã trưởng thành hơn, mạnh dạn hơn và yêu nghề hơn.

Từ nhiệt huyết của Bí thư  Đoàn trẻ tuổi và sự tam gia hưởng ứng của các đoàn viên thanh niên, Đoàn Thanh niên cung chắn thường xuyên tổ chức các phong trào làm vệ sinh khu ga, đường tàu, không những làm cho các chị em gắn kết với nhau mà còn tạo được Quỹ để hoạt động.

Vinh dự đến Lan khi tháng 6/2015 vừa qua, Lan được tham gia Hội thi Gác chắn giỏi toàn quốc và đạt giải B toàn Ngành. Lan coi đó là sự may mắn và cũng là cơ hội để cô được học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các đàn anh đàn chị đi trước. Hàng ngày trên cung chắn, không quản nắng mưa, Lan vẫn miệt mài rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Mỗi chuyến tàu đi qua, đẩy thanh gác chắn vào vị trí để dòng người lại hối hả lưu thông trên đường, Lan cảm thấy nhẹ nhõm và bình yên. Đâu đó trong tôi vẳng nghe câu hát: “Này người ơi! Nhưng em chọn lối này, em đây chọn lối này thôi!...”

Ý kiến của bạn

Bình luận