Những chiêu thức “làm tiền” khách của thợ sửa xe máy

Tác giả: Linh Đỗ

saosaosaosaosao
Văn hóa 10/05/2023 05:42

Một số thợ sửa xe thiếu đạo đức vẫn luôn tìm cách để "móc túi" khách hàng, đặc biệt là những chủ xe nữ giới và những người ít am hiểu về xe máy.

Bật không lên điện

Trường hợp xe không bật lên điện có rất nhiều nguyên nhân như lỗi ổ khóa, hỏng cầu chì, lỗi ắc-quy... Tuy nhiên, một số thợ sửa xe sẽ hướng tới việc thay ắc-quy cho khách hàng. Trong trường hợp xe không bật nguồn thì thợ sửa thường hỏi khách đã thay ắc-quy lâu chưa, nếu biết đã dùng lâu hoặc hết thời gian bảo hành họ sẽ đưa ắc-quy vào máy nạp, nhưng thực chất lại chỉnh điện áp và dòng máy nạp thật nhỏ việc nạp ắc-quy gần như không tác dụng. Công đoạn tiếp theo là họ dùng một ắc-quy mới đưa vào, nếu lên nguồn thì họ chỉ lấy tiền thay ắc-quy, còn trường hợp thay ắc-quy mà xe vẫn không mở được nguồn thì họ sẽ tiếp tục sửa và lấy thêm chi phí.

Những chiêu thức “làm tiền” khách, của thợ sửa xe thiếu tâm trong nghề - Ảnh 1.

Nhiều khi xe chỉ lỗi khóa hoặc cầu chì, nhưng thợ sửa xe vẫn bắt khách thay ắc-quy.

Xe không khởi động (đề) được

Hiện tượng xe khởi động (đề) chập chờn, không đề được hoặc bấm đề chỉ có tiếng tạch tạch cũng có 3 nguyên nhân do ắc-quy yếu, rơ-le đề bị lỗi và củ đề hết chổi than hoặc đoản mạch.

Những chiêu thức “làm tiền” khách, của thợ sửa xe thiếu tâm trong nghề - Ảnh 2.

Rơ-le đề có thể đấu tắt hoặc thay thử cái mới để loại trừ.

Thực chất rơ-le đề chỉ thay nhiệm vụ là đóng ngắt mạch để động cơ đề quay và dừng do vậy có thể dùng cách thay thế tương đương để loại trừ rơ-le bị lỗi hay không. Nếu rơ-le tốt mà động cơ đề không quay thì phần lỗi sẽ thuộc động cơ đó.

Tuy nhiên, trong khá nhiều trường hợp động cơ đề không quay lại chủ yếu do hết chổi than. Với trường hợp này có thể tháo hẳn động cơ đề ra để kiểm tra và thay chổi than. Nhưng nguyên chính của việc thợ sửa xe thường bắt khách thay luôn động cơ đề, vì giá thay chổi than hay rơ-le thấp rất nhiều so với việc thay cả động cơ đề.

Đề được nhưng xe không nổ

Trường hợp này sẽ có 2 nguyên nhân, một là hệ thống cấp nhiên liệu có vấn đề bao gồm xăng hết hoặc đường cấp xăng bị tắc, hai là do hệ thống cấp điện và đánh lửa có vấn đề (bao gồm IC, bô-bin, bugi). Tuy nhiên, một số thợ sửa xe sẽ hướng tới việc khách thay IC với số tiền có thể lên tới hàng triệu đồng, bởi nếu thay bô-bin và bugi thì số tiền sẽ không được cao. Để khách hàng phải thay IC thì nhiều thợ sửa xe không có đạo đức sẵn sàng làm mất điện áp cấp cho IC hoặc đưa sai đường cấp điện áp dẫn đến IC bị lỗi.

Những chiêu thức “làm tiền” khách, của thợ sửa xe thiếu tâm trong nghề - Ảnh 3.

Một trường hợp khách gửi xe trong bãi bị giật bung dây điện cấp cho Bô-bin nên không nổ máy được.

Cũng có một số trường hợp thợ xe lưu động còn chui vào các bãi gửi xe để khóa xăng xe, hoặc làm mất nguồn cấp cho IC hoặc nguồn cấp điện cho bô-bin, để chờ khách dắt xe ra ngoài là vào làm người tốt bụng giúp đỡ sau đó dùng các "chiêu trò" bắt khách thay IC hoặc một số linh kiện không cần thiết với giá từ 500 nghìn đến hơn 1 triệu đồng.

Xe không hư hỏng hoặc hỏng nhẹ nhưng thợ sửa biến thành nghiêm trọng

Khi lốp xe bạn bị non hoặc hết hơi cần vá, thợ sửa thường sẽ báo rằng săm kém rồi bắt buộc phải thay. Thực chất săm xe của bạn hoàn toàn bình thường cho đến khi thợ sửa xe tiếp cận. Họ có thể làm những động tác khiến cho săm xe của bạn bị thủng nhiều lỗ hoặc bật chân van để buộc bạn phải thay săm xe.

Ngoài ra, thợ sửa xe còn có những "chiêu thức" phá xe như: vặn lỏng ốc chỉnh ly hợp trên các dòng xe phổ thông như Yamaha Sirius, Honda Wave, Honda Dream... Khi ốc này bị vặn lỏng ra thì vặn ga xe không thể lăn bánh được vì các lá bố trong bộ ly hợp đã bị tách ra. Lúc này, thợ sẽ báo bạn là bộ ly hợp bên trong động cơ bị hư và yêu cầu sửa chữa phần động cơ với chi phí đắt đỏ.

Nhiều trường hợp thợ sửa xe còn điều chỉnh ốc căn Ly hợp để bắt khách phải thay.

Nguyên nhân chính để thợ sửa xe dễ dàng phá xe cũng như ép giá phụ tùng là do sự thiếu hiểu biết cũng như bất cẩn của chủ xe. Ngoài ra còn do tình huống do các thợ xe không tốt "dàn trận" làm hỏng xe của khách. Tốt nhất, nếu không có nhiều kiến thức, hãy tìm tới những cửa hàng sửa chữa chính hãng, giá dịch vụ và phụ tùng có thể cao hơn, nhưng vẫn rẻ hơn là đưa xe cho những thợ sửa xe tham lam.

Để tránh "tiền mất" vẫn mang bực vào mình khi đi sửa xe máy thì chúng ta cần tìm hiểu thêm những kiến thức cơ bản về các lỗi của xe để tránh bị thợ "móc túi" dễ dàng. Trong những tình huống bất đắc dĩ phải đưa xe vào cửa hàng không quen để sửa, khi quyết định cho thợ kiểm tra máy nên giám sát kỹ. Khi thợ sửa thông báo xe mắc lỗi nặng phải xử lý nhiều tiền, có thể sử dụng smartphone và truy cập mạng để tìm hiểu sơ qua xem có đúng lỗi như vậy hay không. Nếu thấy không yên tâm, khách hàng có thể gọi điện cho người quen, người có hiểu biết về xe để tham khảo thêm để có phương án xử lý tốt nhất.

Một điều quan trọng nữa là bạn nên trao đổi thẳng thắn về mức giá, phụ kiện và chi tiết thay thế như thế nào để tránh những chi phí phát sinh.

Ý kiến của bạn

Bình luận