Những công trình giao thông tạo đà để vùng đất Hoa ban cất cánh

Tác giả: Minh Tùng

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 03/05/2024 09:37

Cảng hàng không Điện Biên đã được nâng cấp, mở rộng và khai thác trở lại, Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang sẽ được thực hiện trong năm 2024. Đây sẽ là những “ngòi nổ” thúc đẩy phát triển kinh tế Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung.

Những công trình giao thông tạo đà để vùng đất Hoa ban cất cánh- Ảnh 1.

Quốc lộ 279 đoạn qua tỉnh Điện Biên

Sớm khởi công cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang

Tỉnh Điện Biên có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá đa dạng, bao gồm đường bộ, đường hàng không và đường thủy. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 9.212km đường giao thông các cấp, tăng 874,4 km so với năm 2020, với 6 tuyến quốc lộ với chiều dài khoảng 750 km. Mặc dù được chú trọng đầu tư trong thời gian qua, song theo Sở GTVT Điện Biên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ chưa tương xứng với tiềm năng vị thế của tỉnh.

Theo thống kê của Sở GTVT Điện Biên, tỷ lệ chiều dài các tuyến được đầu tư bảo đảm theo quy hoạch chỉ chiếm 32,5% với quy mô là đường cấp III, IV miền núi, còn lại phần lớn đang là quy mô đường cấp V, cấp VI và cấp VI miền núi châm chước, chiếm tỷ lệ 67,5%. Hệ thống giao thông đường địa phương có tỷ lệ mặt đường chưa được kiên cố hóa lớn, lên đến 47,6%.

Ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở GTVT Điện Biên chia sẻ, là tỉnh duy nhất trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc có cảng hàng không, nhưng đồng thời cũng lại là tỉnh duy nhất chưa có đường cao tốc kết nối với các địa phương khác. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông những năm gần đây được cải tạo, nâng cấp đã góp phần quan trọng trong việc tạo động lực để các nhà đầu tư đến với Điện Biên.

Đến nay, nhiều tuyến đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp như: QL12 (đoạn Mường Lay - TP Điện Biên Phủ), QL279, QL4H (đoạn Km47-Km147), QL279B (đoạn Nà Tấu - Mường Phăng). Các công trình đưa vào khai thác bảo đảm chất lượng theo yêu cầu thiết kế, an toàn công trình; đồng thời công tác quản lý, bảo trì ngày càng được chú trọng, tăng cường.

Hệ thống quốc lộ đã được gia cố lề lên 5,5m (2 làn xe), nhiều điểm đen, điểm mất ATGT đã được xử lý, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Cũng theo ông Kiên, Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Đến nay Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, cá nhân liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể triển khai ngay dự án (đưa vào quy hoạch của tỉnh, quy hoạch nguồn vật liệu san lấp, bãi thải, quy hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2023-2025).

Được biết, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tiếp tục và khẩn trương triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Bộ GTVT hỗ trợ, hướng dẫn Tỉnh rà soát, đánh giá nhu cầu, khả năng cân đối nguồn lực để lựa chọn phương án đầu tư phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 160 ngày 28/4/2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án trong Quý I năm 2024.

"Đến nay, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan có liên quan hoàn thiện báo cáo, trong đó dự kiến đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện Dự án để bảo đảm tính khả thi (như một số dự án được đầu tư theo Nghị quyết 106/2023/QH15 của Quốc hội: tăng tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án, đáp ứng khoảng 70% tổng mức đầu tư. Tỉnh Điện Biên có trách nhiệm bố trí kinh phí khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư)" ông Kiên chia sẻ thêm.

Nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên tạo động lực phát triển kinh tế vùng

Thời điểm này, Cảng hàng không Điện Biên tấp nập đón du khách đến nhân kỷ niệm 70 Năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Mặc dù lượng khách có sự gia tăng đột biến do Điện Biên đang trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của Năm du lịch quốc gia, xong không hề có hiện tượng ùn ứ cục bộ tại nhà ga hành khách, ngay cả trong các khung giờ cao điểm. Đây là một trong những kết quả rõ nét nhất, thể hiện được sự đầu tư cần thiết của Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được hoàn thành và đưa vào khai thác từ cuối năm 2023.

Những công trình giao thông tạo đà để vùng đất Hoa ban cất cánh- Ảnh 2.

Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được hoàn thành và đưa vào khai thác từ cuối năm 2023

Đại diện Sở GTVT Điện Biên cho biết, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được tỉnh xác định là một trong những dự án trọng điểm nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông, giúp Điện Biên nắm bắt cơ hội giao thương, phát triển kinh tế và tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Công trình đi vào khai thác, sử dụng có nghĩa hết sức quan trọng, mở ra những cơ hội mới trong thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh. Đây cũng là tiền đề thuận lợi để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc, Điện Biên là địa phương duy nhất có cảng hàng không và được đưa vào khai thác thương mại. Do vậy, việc hoàn thành mở rộng và khai thác trở lại Cảng hàng không Điện Biên sẽ góp phần tăng cường kết nối tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh Sơn La, Lai Châu nói chung với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bằng tàu bay A320, A321, tiếp bước tạo động lực, tạo đà để tỉnh Điện Biên bứt phá vươn lên.

Cùng với Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1) cũng đang được tỉnh Điện Biên khẩn trương xúc tiến và kỳ vọng sẽ triển khai xây dựng trong giai đoạn 2026-2030, góp phần tăng khả năng kết nối nội vùng, liên vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Ý kiến của bạn

Bình luận