Thế giới ngày nay tràn ngập những mẫu xe nổi tiếng hội tụ đủ các yếu tố từ phong cách, tốc độ cho đến đắt tiền nhất. Nhưng không phải ai cũng biết rõ lịch sử hình thành của chúng.
Lamborghini Diablo: Lamborghini bắt đầu phát triển Diablo vào những năm cuối thập niên 80 với mục đích thay thế mẫu Countach mang tính biểu tượng. Ít ai biết rằng hình hài của Diablo ngày nay vốn không đến từ thiết kế ban đầu của nó. Nhà thiết kế ôtô lừng danh Marcello Gandini, người thổi hồn vào hai siêu xe huyền thoại Miura và Countach đã chắp bút cho thiết kế đầu tiên của Diablo dưới tên gọi P140.
P140 nhanh chóng được công nhận là thành viên của Lamborghini với trái tim là khối động cơ V10 4.0L hoàn toàn mới. Model đã tiếp tục được phát triển vào những 1990 cho đến khi công ty sở hữu mới là Chrysler quyết định thay thế thiết kế của P140 bằng hình ảnh của Diablo ngày nay, nguyên nhân là giá dầu tăng mạnh khiến doanh thu sụt giảm ở những mẫu xe hiệu suất.
5 năm sau, động cơ và hộp số trang bị cho P140 được sử dụng trên mẫu Calà do công ty Italdesign Giugiaro thiết kế. Thay vì mang thiết kế góc cạnh như P140, Calà mang thiết kế cong tròn với thân xe được chế tạo từ sợi carbon. Về phần Marcello Gandini, ông đã hợp tác cùng một đội ngũ cựu nhân viên của Lamborghini để thành lập hãng xe Cizeta vào năm 1991, chiếc Cizeta-Modorer V16T ra đời vốn được dựa trên thiết kế ban đầu của Diablo.
Ford Mustang: Mẫu xe cơ bắp lẫy lừng của Ford với biểu tượng ngựa pony phi nước đại đã trở thành một hình ảnh góp phần tạo nên tiếng tăm của Mustang trong nhiều thập kỷ và cho đến tận ngày nay. Nhưng, rất ít người biết rằng logo của Mustang ban đầu không phải là ngựa pony, mà hoàn toàn là một chú báo cougar. Trong khi chiếc Mustang nguyên bản ra đời vào năm 1964, những mẫu concept đầu tiên được định hướng trở thành Mustang trong tương lai đã xuất hiện ngay từ năm 1961 và biến chúng trở thành một cuộc tranh tài giữa các nhà thiết kế.
Gale Halderman là người chắp bút cho thiết kế đầu tiên của mẫu xe về sau được định hướng trở thành Mustang, sau khi chiến thắng cuộc thi thiết kế và được Joe Oros, trưởng bộ phận thiết kế xe nguyên bản của Mustang lựa chọn. Gale Halderman cũng là người đã đề xuất đặt tên gọi "Cougar" và giành được sự chấp thuận của Lee Iaccoca và Henry Ford II. Nhiều cuộc tranh luận sau đó đã diễn ra xoay quanh vấn đề logo của Cougar nên chĩa về hướng trái hay phải.
Kết quả là trong giai đoạn 1962-1964, chiếc xe nhiều lần xuất hiện với logo không cố định chĩa theo cả hai hướng. Tuy nhiên, Ford đã đi đến quyết định sẽ sản xuất Mustang từ cuối năm 1963 mặc dù các mẫu concept ra mắt trong thời gian đó đều mang tên gọi Cougar cho đến năm 1964.
Phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Ford lúc đó là ông Lee Iaccoca, đã quyết định lựa chọn hình ảnh ngựa phi nước đại và đặt tên gọi Mustang. Ban đầu, logo của Mustang được kiến nghị chĩa về hướng phải, với lý do ngựa trong trường đua ở Mỹ thường xuất phát từ trái sang phải. Ngược lại, những người ủng hộ logo hướng sang trái cho rằng chĩa về hướng trái là đi về miền Tây hoang dã của nước Mỹ dựa theo vị trí địa lý trên bản đồ. Iaccoca là người đã đưa ra quyết định và cho rằng Mustang là một con ngựa hoang, không phải là ngựa đua thuần chủng, và nó đi về hướng trái.
Bugatti Veyron: Từng giữ danh hiệu là siêu xe nhanh nhất thế giới, Veyron ra đời sau khi Volkswagen mua lại thương hiệu Bugatti vào năm 1998. Volkswagen đã đặt mục tiêu sản xuất siêu xe hội tụ đủ hai yếu tố nhanh nhất và sang trọng nhất. Thiết kế ban đầu của Veyron được nhận xét là nhỏ gọn, táo bạo và có nhiều đường cong hơn so với phiên bản ngày nay. Người đã chắp bút cho concept này là Walter de Silva, cựu giám đốc thiết kế của Volkswagen.
Tuy nhiên, sau khi bỏ qua thiết kế của Walter de Silva, Bugatti đã thuê Fabrizio Giugiaro của hãng thiết kế Italdesign Giugiaro nhằm đưa ra một giải pháp thay thế. Chiếc Chiron 18/3 ra đời và định hình cho phong cách thiết kế của Veyron trong tương lai, đây là lần đầu tiên Bugatti sử dụng tên gọi "Chiron" để đặt cho một model. Mãi đến năm 2016, tên gọi này mới được sử dụng lại trên siêu xe Chiron ngày nay.
Để làm cho xe có thể vận hành bình thường, Chiron 18/3 sử dụng khung gầm và hệ dẫn động bốn bánh được Bugatti tận dụng từ siêu xe Lamborghini Diablo VT. Trong khi trái tim của Chiron 18/3 là khối động cơ W18 của Volkswagen, lần đầu tiên giới thiệu trên hai mẫu xe concept EB 118 1998 và EB 218 1999. Động cơ này có công suất 547 mã lực và mô-men xoắn cực đại 650 Nm. Chiron 18/3 có khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 3,5 giây, tốc độ tối đa 330 km/h.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.