Những thương vụ “khủng” của Vingroup kể từ đầu năm 2015

Doanh nhân 23/04/2015 06:47

Bốn tháng đầu năm 2015 đã chứng kiến liên tiếp những thương vụ đầu tư cực lớn của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.


Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Mua lại 100% cổ phần của Vinatexmart

Ngày 10/4, Tập đoàn Vingroup công bố đã chính thức ký kết hợp đồng mua lại 100% cổ phần Công ty TNHH MTV Thương mại và Thời trang Việt Nam – Vinatexmart.

Công ty TNHH MTV Kinh doanh Thời trang Việt Nam – Vinatexmart là công ty con 100% thuộc sở hữu của tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Doanh số hàng năm của Vinatexmart đạt khoảng 1.700 tỷ đồng.

Sau thương vụ này, Vingroup đã sở hữu toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart, với 39 cửa hàng đang hoạt động trên 22 tỉnh thành trong cả nước.

Bà Dương Thị Mai Hoa – Tổng giám đốc tập đoàn nhận định việc sáp nhập này sẽ là cơ sở để VinMart thực hiện mục tiêu phát triển 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trong vòng 3 năm.

Việc hợp nhất này sẽ góp phần nhanh chóng gia tăng độ phủ sóng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước của hệ thống bán lẻ mà Vingroup thâu tóm trước đó là VinMart và VinMart+, bởi Vinatexmart có nhiều lợi thế ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Mặt khác, tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng sẽ được đảm bảo thị phần cũng như mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm dệt may trên toàn bộ hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại của Vingroup.”

Mua hai cảng biển lớn nhất nước

Ngày 5/3/2015, thông tin tỷ phú Phạm Nhật Vượng bày tỏ nguyện vọng được mua lại cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng chính thức được xác nhận. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ là thương vụ chuyển nhượng lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng cảng biển từ trước đến nay ở Việt Nam.

Với cảng Sài Gòn, Vingroup đề xuất mua 80% cổ phần trước khi nhà nước thoái vốn với mức không thấp hơn giá IPO dự kiến diễn ra nửa đầu năm nay. Doanh nghiệp này cũng kiến nghị tham gia vào quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa của cảng Sài Gòn.

Theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp mới được Bộ chủ quản thông qua, tại thời điểm đầu năm 2014, Cảng Sài Gòn có giá trị xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Riêng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.160 tỷ đồng.

Với cảng Hải Phòng, Vingroup đề nghị mua lại 80% phần vốn nhà nước với giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân mà các nhà đầu tư đã bỏ ra để trở thành cổ đông của cảng. Cảng biển lớn nhất miền Bắc có vốn điều lệ 3.270 tỷ đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau khi IPO hồi năm ngoái. Hiện phần vốn Nhà nước tại đây vẫn chiếm gần 95%, do Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) nắm giữ.

Mua 90% cổ phần triển lãm Giảng Võ

Mới đây nhất, Tập đoàn Vingroup công bố đã mua gần 90% cổ phần Triển lãm Giảng Võ (VEFAC) trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Ngày 20/3/2015, VEFAC đã tổ chức phiên đấu giá 16,25 triệu cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nhưng chỉ bán được 620.500 cổ phần với giá mua bình quân 10.058 đồng. Vingroup đã cam kết mua lại toàn bộ số cổ phần không bán hết trong đợt đấu giá.

Theo phương án cổ phần hóa ban đầu, VEFAC có vốn điều lệ dự kiến 1.666 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước sở hữu 10% cổ phần, bán đấu giá 9,8% cổ phần và bán cho nhà đầu tư chiến lược 80% cổ phần.

Tuy nhiên, với số cổ phần nắm giữ lên tới 89,42% cùng với số lượng cổ phiếu do cổ đông nhà nước nắm giữ là 10% thì tổng số cổ phần do hai nhà đầu tư này đã chiếm tới 99,42%. Như vậy, lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài còn 0,58%.

VEFAC có trụ sở tại 148 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, trên khu đất rộng gần 7ha với hệ thống nhà trưng bày, phòng hội thảo cùng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, có thể tổ chức những cuộc triển lãm có quy mô tầm cỡ quốc tế hoặc cùng lúc tổ chức nhiều sự kiện khác nhau. 3 năm qua, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ dao động từ 3-6,2 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần khoảng 1,6-9%.

Mua 3 nhà ga đường sắt lớn nhất Việt Nam

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết tập đoàn Vingroup vừa đề xuất Bộ GTVT mong muốn mua lại 3 nhà ga đường sắt lớn nhất Việt Nam, gồm: ga Hà Nội, ga Sài Gòn và ga Đà Nẵng. Bộ này cho biết sẽ có những nghiên cứu về đề xuất của Vingroup để phát huy hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho rằng, cần có những nghiên cứu cụ thể mới quyết định.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị có liên quan nghiên cứu lộ trình nhượng quyền khai thác các nhà ga, trong đó cần lưu ý đến việc công khai minh bạch để thu hút thêm các nhà đầu tư và tiến hành đấu thầu chọn nhà đầu tư có đủ tiềm lực nhượng quyền.

Nếu chỉ có 1 nhà đầu tư thì báo cáo Chính phủ để có chỉ định trên cơ sở đàm phán nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, nhưng nhiều nhà đầu tư thì cần tổ chức đấu thầu công khai minh bạch” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Được biết hiện tại ngoài Vingroup, Tập đoàn Sungroup đề xuất tới Bộ Giao thông vận tải được mua lại nhà ga đường sắt nói trên.

Chủ tịch Tập đoàn Sungroup, ông Trần Thanh Sơn khẳng định sẽ bỏ tiền ra mua mới 20 toa xe và trang bị nội thất hiện đại, dịch vụ tối ưu nhất để phục vụ khách du lịch.

M.P (T.hợp)

Ý kiến của bạn

Bình luận