Song để thu hút tốt nhất các nhà đầu tư, chúng ta cần hoàn thiện cơ chế để chuyển nhượng một số công trình giao thông đã đi vào hoạt động cho nhà đầu tư, không chỉ tạo được nguồn vốn cho dự án mới mà còn hứa hẹn sẽ nâng cao hiệu quả khai thác các dự án trong tương lai.
Các nhà đầu tư xếp hàng
Hiện nay, Bộ GTVT đang quản lý 67 dự án BOT, BT, PPP lĩnh vực đường bộ với tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 182.877 tỷ đồng; gồm 18 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác với TMĐT là 18.086 tỷ đồng; 44 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư với TMĐT là 159.791 tỷ đồng (chưa bao gồm các dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC đang triển khai). Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang lập phương án bán, chuyển nhượng quyền khai thác đối với các công trình đã được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA, trái phiếu, vốn của doanh nghiệp… Trong đó, danh mục dự kiến sẽ bao gồm một số tuyến đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không sân bay. Bộ GTVT đang xem xét phương án đối với Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Nhà ga hành khách T1, sảnh E – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng Quảng Ninh…
Tiếp sau chủ trương bán một số tuyến đường cao tốc đã đưa vào khai thác, Bộ GTVT đang nghiên cứu để xã hội hóa cơ sở hạ tầng tại một số sân bay theo hình thức nhượng quyền khai thác. Đến nay, Vietjet là hãng hàng không nhanh nhạy nhất trong việc đề xuất mua lại Nhà ga hành khách T1, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Sau đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng có văn bản đề nghị mua lại Nhà ga T1 (không bao gồm phần mở rộng mới – sảnh E) để quản lý, điều hành và sử dụng phục vụ cho hành khách, các chuyến bay của Vietnam Airlines. Các đơn vị đưa ra đề xuất mua lại nhà ga sân bay cho rằng, cách thức này sẽ tạo điều kiện để hãng hàng không có biện pháp tiết giảm chi phí, linh hoạt, chủ động trong sắp xếp, khai thác nhà ga, phòng chờ… để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho hành khách. Quan điểm của lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, những gì có thể xã hội hóa được phải đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, khơi thông nguồn lực từ các thành phần kinh tế, bởi nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất để hiện thực hóa chủ trương nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông đó là xây dựng cơ chế chính sách, bởi đây là việc chưa có tiền lệ. Trong đó, cần bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Giá trị của các công trình hạ tầng giao thông cần được tính toán cụ thể, xác thực để nguồn vốn đầu tư xây dựng không bị thất thoát khi chuyển nhượng quyền khai thác.
Theo ông Vũ Anh Minh – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), các hình thức xã hội hóa trong khai thác hạ tầng đang được Bộ GTVT áp dụng gồm: Cổ phần hóa doanh nghiệp (DN), cho phép thành lập thêm các DN tư nhân, Nhà nước liên doanh với DN tư nhân; kêu gọi DN đầu tư theo hình thức BOT, PPP… và hình thức Nhà nước cho thuê hoặc chuyển nhượng các nguồn lực hạ tầng. Như vậy, ngoài hình thức nhận chuyển nhượng, DN có thể nắm quyền khai thác các công trình hạ tầng nếu chiếm cổ phần chi phối, có quyền phủ quyết tại các DN quản lý hạ tầng đó.
Điều đặc biệt, thông qua bán, chuyển nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông, thì từ đây các chủ đầu tư sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng. Nhiều người dân, doanh nghiệp là những khách hàng sử dụng dịch vụ hy vọng việc thay đổi đơn vị quản lý, điều hành từ Nhà nước sang tư nhân là điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ, khắc phục tình trạng “cha chung không ai khóc”, nhà ga, đường sá xuống cấp nhưng vẫn thu phí. Vai trò đó càng phải được thể hiện rõ ràng hơn ở việc giám sát, bảo đảm đơn vị khai thác thực hiện đúng quy định của Nhà nước về quản lý, khai thác công trình, bảo vệ quyền lợi của người dân, xã hội. Tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp vì lợi ích của mình mà tăng phí bất hợp lý, dịch vụ không tương xứng với số tiền người sử dụng phải bỏ ra.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, chủ trương bán, chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng nhằm đảm bảo quay vòng vốn để tiếp tục đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách. Bộ GTVT sẽ bán, chuyển nhượng tối đa cho nhà đầu tư; các ngành khác cũng có thể áp dụng hình thức này. Việc huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước rất hạn chế nên việc đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư cho hạ tầng giao thông là thực sự cần thiết. Bởi hiện nay, việc đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BOT được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đồng tình, do đó cần huy động tối đa, có hiệu quả để cùng nguồn lực ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng đường bộ, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Công khai công trình, cách thức chuyển nhượng
Việc nhượng quyền khai thác được tiến hành theo hai hình thức. Thứ nhất là nhượng quyền theo hợp đồng kinh doanh – quản lý (hợp đồng O&M) (được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP). Ở phương án này, Nhà nước và nhà đầu tư ký kết hợp đồng để kinh doanh công trình nhượng quyền trong một thời hạn nhất định. Hình thức này có thể hiểu đơn giản là Nhà nước cho thuê hạ tầng. Hình thức thứ hai là thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu cảng hàng không, cảng biển (được coi là DN) cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền (quy định tại Nghị định số 128/2014/NĐ-CP). Đây là hình thức chuyển giao DN, hay nói cách khác là bán quyền khai thác hạ tầng. Bất kể hình thức nào, phương án chuyển nhượng đều phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.
Hiện, danh mục các công trình nhượng quyền đã được Bộ GTVT công khai trong các đề án xã hội hóa của từng ngành. Chẳng hạn, trong đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không”, danh mục các dự án cảng hàng không hấp dẫn nhà đầu tư có khả năng chuyển nhượng. Kinh nghiệm từ nhiều nước đã tiến hành xã hội hóa kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và lĩnh vực cảng hàng không, sân bay rất thành công tại các nước đang phát triển (Ấn độ, Trung Quốc, Brazil, Chilê, Pakistan, Columbia..), nhưng quy mô của hầu hết các dự án không lớn. Hình thức BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao) chủ yếu được áp dụng vào các dự án nhà ga, bến đỗ ô tô, các công trình cung cấp dịch vụ công cộng…
Với các cảng hàng không lớn, quan trọng thì áp dụng nhượng quyền khai thác. Tại các nước phát triển như Mỹ, tây Âu, Anh, hình thức tư nhân hóa triệt để cảng hàng không, sân bay được ưa thích hơn. Tại Nga và các nước Đông Âu cũ hiện tại chủ yếu là hình thức thoái vốn.
Hiện nay, nhà ga, cảng biển, đường bộ… được xem là mảnh đất “màu mỡ” để kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa bởi tốc độ phát triển nhanh, mức độ rủi ro trong đầu tư thấp. Việc thí điểm nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông đang hứa hẹn sẽ mang đến nhiều điểm sáng tích cực, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ .
Đình Ánh
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.