Nissan GT-R Nismo. |
2019 đánh dấu tròn 50 năm của siêu xe Nhật Bản kể từ khi thế hệ đầu tiên lăn bánh vào năm 1969. GT-R khởi nguồn từ một dự án ngay sau khi hãng xe nội địa Nhật Bản thời bấy giờ là Prince Motors được sáp nhập vào Nissan. Mẫu động cơ 2 lít với 6 xi lanh thẳng hàng khi ấy sản sinh công suất 160 mã lực được truyền đến cầu sau thông qua hộp số sàn 5 cấp.
Trải qua 7 thế hệ, biến thể nhanh nhất nhất của GT-R ngày nay là GT-R Nismo sử dụng động cơ 3.8 V6 tăng áp kép cho công suất 600 mã lực tại tua máy 6800 vòng/phút và momen xoắn tối đa 650 Nm, đi kèm hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian thông qua hộp số tự động 6 cấp ly hợp kép. Đó là những con số không hề thua kém bất cứ đối thủ châu Âu nào.
Nhưng những khách hàng đủ khả năng chi trả hàng trăm ngàn đô la cho một siêu xe, thứ họ cần nhiều hơn một bảng thông số kỹ thuật thuần túy.
Những năm 50, 60 của thế kỷ trước, siêu xe Italy mặc định là Ferrari. Rồi một ngày nọ người thợ máy kéo Ferruccio Lamborghini tới than phiền với Enzo Ferrari về bộ ly hợp trên xe Ferrari của mình. Enzo gạt tay kèm câu trả lời đầy kiêu ngạo "thợ máy kéo thì không nên quan tâm đến siêu xe". Ferruccio mang lời thách thức về nhà tạo nên Lamborghini vào năm 1963, và từ đó trở đi, Ferrari của Enzo chẳng những không còn đơn độc mà cuộc chiến của nó với hãng xe của "người thợ máy kéo" cứ thế mà kéo dài bất tận, thế giới có thêm một cặp bài trùng.
Một ví dụ khác bên kia chiến tuyến, Porsche trong chặng đường 70 năm lịch sử luôn duy trì đường nét thiết kế kinh điển ban đầu để dù cho có che đi logo, bất kì ai nhìn qua cũng biết nó là một chiếc Porsche. Trong mọi thông cáo, động cơ đặt ngang Boxer kèm hộp số ly hợp kép PDK trứ danh tạo nên hai thứ "gia vị" vừa đẹp để tạo nên câu chuyện hấp dẫn thu hút giới mộ điệu.
Trong bao năm qua, các hãng siêu xe châu Âu luôn bán xe như thế, họ kể những câu chuyện xoay quanh giá trị lịch sử, kết nối giữa quá khứ và hiện tại để mang ra "tiếp chuyện" những khách hàng có tài chính rủng rỉnh.
Trở lại với GT-R, mẫu xe Nhật Bản liệu có gì để ghi tên mình vào những giai thoại lịch sử trong làng bốn bánh ngoài con số tốc độ tối đa 350 km/h và tăng tốc từ 0-100km trong vòng 2.9 giây - thứ mà không ít các siêu xe ngày nay đến từ các hãng nhỏ tới lớn đều không quá khó để đạt được.
Takumi Kurosawa - trưởng nhóm lắp ráp động cơ GT-R. |
Thực tế kể từ năm 2007, động cơ và hộp số trên mỗi chiếc GT-R đều được lắp ráp bằng tay bởi chỉ một trong năm kỹ sư bậc thầy tại nhà máy động cơ ở Yokohama, Nhật Bản của Nissan. Họ là năm Takumi: Shioya Izumi, Tetsuji Matsumoto, Nobumitsu Gozu, Hiroyuki Ichikawa, Tsunemi Ooyama, và trưởng nhóm Takumi Kurosawa.
Thuật ngữ Takumi ở Nhật Bản nhằm vinh danh những người thợ thủ công có trình độ điêu luyện, vượt xa phần còn lại của những người trong ngành nghề đó. Chẳng hạn một chiếc kéo được làm thủ công bởi một Takumi có giá cả nghìn đô la không phải chuyện hiếm gặp ở Nhật.
Tại nhà máy động cơ của Nissan, tổng cổng 5 Takumi có hơn 100 năm kinh nghiệm, họ chịu trách nhiệm cao nhất cho chất lượng và độ chính xác ở mức sai số không quá 0.01% trên mỗi động cơ lắp ráp. Những kiểm tra khắt khe và tỉ mỉ nhất được thực hiện bằng hàng loạt kỹ năng đặc biệt.
Khi lắp ráp piston, Takumi sẽ lắng nghe tiếng gõ của búa để đảm bảo không có hạt bụi hay bất cứ một sự xâm nhập nào từ phía bên ngoài lọt vào trong lòng xi-lanh. Độ rung của động cơ khi chạy không tải cũng được kiểm soát nghiêm ngặt dù hầu hết người dùng không nhận ra nó. Ở bước đánh giá động cơ cuối cùng, lốc máy sẽ được đưa vào phòng đặc biệt, Takumi đẩy lên tới tốc độ 3.000 vòng/phút, dầu bắt đầu bơm vào, sau một khoảng thời gian nhất định, Takumi đặt điểm trung tâm của ngón tay giữa của mình lên vị trí chính xác trên động cơ, kết hợp đôi tai lắng nghe để đánh giá độ rung.
"Đó là thứ cảm giác của ngưỡng tập trung cao độ, sử dụng toàn bộ các giác quan và kinh nghiệm trong quá trình làm việc chăm chỉ và trên hết là đặt mình vào cảm nhận khách hàng", một Takumi từng chia sẻ với PDCcars năm 2016.
Đối với mỗi động cơ GT-R được lắp bằng tay, không có chỗ cho bất cứ sự thỏa hiệp nào vì bởi chỉ một khe hở cỡ 10 microns cũng có thể khiến chiếc chiếc GT-R thất bại trên đường đua.
Suốt 50 năm qua, biểu tượng huyền thoại của kỹ nghệ cơ khí Nhật Bản này vẫn bước ra thế giới với không nhiều ồn ào như nhiều đối thủ đồng cấp phương Tây. Đó cũng là thực trạng không chỉ ở Nissan mà gần như ở các hãng xe Nhật Bản khác khi họ chế tạo những chiếc xe hiệu suất cao, nhưng lại thiếu đi những câu chuyện xung quanh các giá trị vô hình mà người giàu họ thích nghe và bị cuốn hút bởi chúng như những Ferrari, Lamborghini, Porsche, Aston Martin, BMW M performance hay Mercedes-AMG làm được.
Trong vòng xoáy khủng hoảng gần đây của liên minh xe hơi lớn nhất thế giới Renault-Nissan-Mitsubishi, khi chủ tịch Carlos Ghosn bị bắt vì những cáo buộc liên quan đến trốn thuế và lạm dụng chức vụ, nội bộ của từng hãng diễn ra những xáo trộn và đổi thay trong bộ máy nhân sự ở cấp quản trị cao nhất. Những chiến lược mới hay cam kết vì một liên minh gắn kết và thành công nhất của ngành công nghiệp còn đang bị bỏ ngỏ ở phía trước bởi khoảng trống mà người đàn ông thép Carlos Ghosn bỏ lại quá lớn, cùng sự khác biệt của văn hóa Đông-Tây.
Bảng tên Takumi gắn trên động cơ. |
Những khách hàng cá tính còn lại của GT-R vẫn có thể tin tưởng rằng mẫu siêu xe biểu tượng này chưa có dấu hiệu nghỉ ngơi. Bản thân GT-R được sự bảo trợ bởi phân nhánh hiệu năng cao Nissan-Nismo, sẽ đảm trách sứ mạng trở lại là mẫu xe thương mại nhanh nhất trong phân khúc ở thế hệ kế tiếp, theo tuyên bố của giới chức cách đây không lâu.
Dẫu vậy, những con số thực tế trên báo cáo tài chính đang hối thúc Nissan cần làm nhiều việc hơn thế. Kết thúc năm tài chính 2018, hãng chỉ bán vỏn vẹn 1.570 chiếc GT-R, ghi nhận mức sụt giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đối thủ Đức Audi R8 cán mốc 2.760 xe còn Porsche 911 lên tới gấp hơn 20 lần với 35.573 chiếc tới tay khách hàng.
Doanh số thế hệ mới tới đây liệu có tích cực hơn hay không là điều khó đoán định. Điều có thể chắc chắn là trên động cơ của mỗi chiếc GT-R vẫn xuất hiện một tấm thẻ kim loại đề tên của một trong năm Takumi lắp ráp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.