Nỗ lực bàn giao mặt bằng “sạch” thi công dự án cao tốc Bắc - Nam

Tác giả: Hiền Thanh

saosaosaosaosao
Thị trường 18/11/2020 06:26

Ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bấm nút phát lệnh khởi công xây dựng 3 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam gồm đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây bằng vốn đầu tư công. Sự kiện này thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương cho dự án đặc biệt quan trọng này.

Mặt bằng “sạch”: Nhiệm vụ khó khăn

Được biết, 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư công khởi công những gói thầu đầu tiên vào cuối tháng 9/2020 là Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây được Ban QLDA Thăng Long quyết liệt phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để có công địa thi công khi dự án lựa chọn xong các nhà thầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các địa phương vẫn còn một số hộ dân chưa bàn giao vì nhiều lý do.Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), khó khăn lớn nhất trong GPMB các dự án hiện nay là công tác xây dựng khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi mặt bằng dự án còn chậm. Tiến độ xây dựng các khu tái định cư đến nay mới đạt khoảng 44%. Trong đó, nhiều địa phương triển khai chậm như: Nam Định (1 khu tái định cư chưa hoàn thành); Ninh Bình (hoàn thành 1/5 khu); Nghệ An (28 khu chưa hoàn thành); Hà Tĩnh (2 khu chưa hoàn thành); Khánh Hòa (7 khu chưa hoàn thành)... Thêm vào đó, công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện mới đạt khoảng 9% khối lượng và chưa thể hoàn thành trong quý III/2020.

cao-toc-xuyen-vqg-bach-ma-sap-thong-xe-103151
 

Thống kê cho thấy, hàng loạt địa phương hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật đạt dưới 50% khối lượng gồm: Ninh Thuận (đã di dời 27,6% đường điện và 33,3% đường nước); Ninh Bình (đã di dời 14,3% đường điện, chưa di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật khác). Đặc biệt, các địa phương gồm: Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai và Vĩnh Long chưa có khối lượng hoàn thành về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc gửi UBND 13 địa phương nơi có dự án đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác GPMB các dự án cao tốc Bắc - Nam.Trước tình hình đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, hội đồng GPMB của địa phương xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng GPMB còn lại (khoảng 10%), đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công các dự án.

Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các khu tái định cư; phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật để thống nhất phương án đền bù, triển khai di dời các công trình, cơ bản bàn giao mặt bằng cho dự án và chủ động xử lý các vướng mắc kiến nghị liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo xử lý, đảm bảo tiến độ thực hiện, tuân thủ quy định hiện hành.

Những nỗ lực “không mỏi”

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án giao thông đặc biệt quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn thế giới.Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là chính sách ưu tiên của tất cả các quốc gia, đặc biệt là với Việt Nam. Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa 14 đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Giai đoạn này sẽ đầu tư khoảng 654 km chia thành 11 dự án thành phần với 3 dự án thành phần theo phương thức đầu tư công và 8 dự án thành phần theo phương thức đối tác công - tư (PPP) (Nghị quyết số 52/2017/QH14).

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa 14, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam từ phương thức PPP sang phương thức đầu tư công và được Quốc hội đồng thuận (Nghị quyết số 117/2020/QH14).

Bộ GTVT được giao làm chủ đầu tư dự án đã tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết với mốc thời gian cụ thể từng hạng mục công việc. Bộ GTVT huy động các đơn vị chuyên môn, các ban QLDA thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư như: lựa chọn tư vấn thiết kế, lập thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, tư vấn giám sát..., đồng thời phối hợp với các địa phương GPMB đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, với tinh thần khẩn trương trong thời gian nhanh nhất.

Trong quá trình thực hiện dự án, nhiệm vụ khó khăn nhất quyết định tiến độ, chất lượng của dự án là công tác GPMB. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ và chất lượng của các công trình giao thông. Trong quá trình thực hiện dự án, vướng mặt bằng dẫn đến việc tổ chức thi công khó khăn, không liên tục, thậm chí nảy sinh các vấn đề bất ổn về an ninh trật tự khu vực nơi các dự án đi qua.

Để phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai công tác GPMB cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo về GPMB, phân công các đồng chí lãnh đạo Bộ cùng với ban QLDA phối hợp với địa phương xử lý các vấn đề xảy ra trong thời gian sớm nhất. Nhận thức được tầm quan trọng của dự án, các địa phương cũng khẩn trương thành lập ban chỉ đạo tại địa phương, đồng chí bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh trực tiếp làm trưởng, phó ban. Tổ công tác liên ngành về GPMB được lập ra để xử lý các vấn đề phát sinh.

Để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác GPMB, như lời phát biểu tại Lễ Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - QL45 tại Thanh Hóa của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Để có được 93% mặt bằng sạch cho toàn bộ dự án đường cao tốc Bắc - Nam là sự lao tâm khổ tứ vận động nhân dân bàn giao mặt bằng. Người đứng đầu Chính phủ đã biểu dương và đánh giá cao, biết ơn nhân dân đã bàn giao mặt bằng cho công trình trọng điểm quốc gia”.

Ý kiến của bạn

Bình luận