Nỗ lực giải ngân nhìn từ các dự án giao thông trọng điểm

Tác giả: Cao Hà

saosaosaosaosao
Thị trường 06/11/2020 06:05

Những tháng đầu năm 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra nhưng toàn ngành GTVT vẫn nỗ lực, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, trong đó công tác giải ngân vốn đầu tư công lọt Top cao so với bộ, ngành, địa phương cả nước.

Nỗ lực thi công nhiều dự án trọng điểm

Vừa qua, các dự án trọng điểm của ngành GTVT được tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt và cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, đặc biệt là việc triển khai các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo đó, vào ngày 30/9, Bộ GTVT đã đồng loạt khởi công 3 dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông là Dự án Mai Sơn - QL45, Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Dự án Phan Thiết - Dầu Giây. Việc triển khai khởi công xây dựng 3 dự án trên đã hiện thực cụ thể quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép “Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

unnamed
 

Để đồng loạt khởi công 3 dự án trọng điểm kể trên, các đơn vị liên quan của Ngành đã  nỗ lực triển khai khẩn trương, trách nhiệm. Xác định mục tiêu phải đẩy nhanh mọi thủ tục để đáp ứng tiến độ khởi công các dự án được chuyển đổi theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thường xuyên tổ chức họp kiểm điểm tiến độ công việc để kịp thời đưa ra các chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quán triệt các cơ quan, đơn vị, ban QLDA thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức triển khai các dự án. Đặc biệt, để đảm bảo tiến độ, ngay thời điểm Chính phủ đề xuất Quốc hội chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án (tháng 5/2020), Bộ GTVT đã chủ động lên kế hoạch, huy động đội ngũ cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm của các cơ quan đơn vị tham mưu, các ban QLDA tập trung thời gian kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ, khẩn trương tiến hành rà soát, chuẩn bị điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan. Hoạt động này được thực hiện song song, đồng thời với công tác chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 3 dự án đó theo hình thức PPP đã được xác định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14. Chính vì vậy, ngay sau khi Quốc hội, Chính phủ có nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư, Bộ GTVT đã kịp thời thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu các gói thầu thuộc dự án đảm bảo tuân thủ trình tự và quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, pháp luật về đấu thầu.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng chú trọng triển khai đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm khác như sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, sửa chữa mặt cầu Thăng Long, các dự án đường bộ, đường sắt cấp bách sử dụng vốn dự phòng trung hạn. Tại dự án nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài, đến hết ngày 21/9, đối với đường hạ, cất cánh 1B, các nhà thầu đã thi công được 313/630 vệt, tương đương hơn 33,8 nghìn khối bê tông. Cùng với đó, các nhà thầu sẽ triển khai các mũi thi công lề vật liệu và thi công hệ thống thoát nước. Còn tại dự án nâng cấp đường cất, hạ cánh 25R sân bay Tân Sơn Nhất, toàn bộ đường băng dài gần 3 km đã được các nhà thầu chia ra từng vệt đoạn để thi công cuốn chiếu. Riêng phần thi công bê tông xi măng, Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) đã hoàn thành 140/152 vệt, đạt 92,1% khối lượng; Tập đoàn Cienco 4 đã thi công được 152/167 vệt, đạt 91%; Công ty 647 thi công 64/88 vệt, đạt 72,7%. Theo kế hoạch ban đầu, hạng mục bê tông xi măng phải đến 20/11 mới hoàn thành, tuy nhiên các nhà thầu đã quyết tâm hoàn thành trước 30/10. Song song với đó, hiện nhà thầu đã bắt tay thi công các đường lăn.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án

Thời gian qua, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của Ngành, đạt kết quả quan trọng, góp phần cải thiện bộ mặt hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

unnamed (1)
Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

 

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và đảm bảo tiến độ thi công các dự án trọng điểm, trong những tháng cuối năm 2020, Bộ GTVT yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA hoàn thiện các thủ tục liên quan để kịp khởi công và hoàn thành các dự án có kế hoạch khởi công, hoàn thành trong năm 2020 như: khởi công các dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; thông xe đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo đường cất, hạ cánh, đường lăn của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài; thông xe tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; hợp long cầu Cửa Hội (nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh)...; tăng cường kiểm tra hiện trường, nâng cao công tác bảo đảm chất lượng, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường; đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm để hoàn thành mục tiêu cả năm 2020.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Vụ Kế hoạch - Đầu tư cần phối hợp các đơn vị liên quan, trên cơ sở chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 để tiếp tục tham mưu cho Bộ về kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch đầu tư vốn các năm 2018, 2019 đã được kéo dài sang năm 2020; về thời gian phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 còn lại chưa được giao chi tiết cho từng dự án.

Ngành GTVT xác định nhiệm vụ phát triển trong thời gian tới là hết sức nặng nề. Để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế. Toàn Ngành phấn đấu đến năm 2030 có trên 80% tỉnh/thành phố trong cả nước đều có đường bộ cao tốc đi qua hoặc kết nối tới trung tâm hành chính và có khoảng 3.500 - 4.000 km đường bộ cao tốc, trong đó ưu tiên đầu tư đưa vào khai thác thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, các tuyến đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải chủ yếu, các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, các tuyến cao tốc vành đai đô thị; hệ thống đường bộ Việt Nam đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và xuyên Á.

Ý kiến của bạn

Bình luận