Nóng hàng lậu “đi” đường sắt

Bạn đọc 28/06/2016 05:53

Không chỉ hoạt động trên đường bộ, đường biển, tội phạm buôn lậu cũng đã “tấn công” đường sắt trong thời gian qua. Bằng chứng là liên tiếp các vụ việc buôn lậu qua đường sắt với giá trị hàng hóa lên tới hàng tỷ đồng đã bị các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ. Đáng nói, một số cán bộ, nhân viên trong ngành lại chính là những mắt xích, góp phần làm phức tạp thêm tình hình buôn lậu.

70bcce5a-6c4f-4e85-90f3-3f088e481b7c
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa nghi hàng lậu được vận chuyển bằng đường sắt

Phát hiện hàng loạt vụ buôn lậu trị giá hàng tỷ đồng

Tình trạng buôn lậu qua đường  sắt những tháng đầu năm nay cũng đang có những diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở phía Nam. Thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 16 đến 18/6, đơn vị phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đồng Nai và Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã kiểm tra, phát hiện 6 toa tàu chở hàng trên chuyến tàu TN 1 chạy từ ga Hà Nội vào ga Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chở nhiều lô hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện số hàng hóa vận chuyển trên 6 toa tàu khoảng hơn 1.000 bao, tương đương 100 tấn hàng, gồm: quần áo, xe máy, phụ tùng xe máy, điện thoại, mỹ phẩm, sữa... Đặc biệt, trong số lô hàng này còn có 1 xe máy thể thao, mang biển kiểm soát giả, trị giá khoảng 35.000USD.

Trước đó, chiều 9/6, tại ga Hố Nai (Đồng Nai), lực lượng công an cũng đã phát hiện nhiều hàng lậu trên một chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội. Số hàng trên không đầy đủ hóa đơn chứng từ gồm: phụ tùng ôtô, xe máy, sữa tắm, linh kiện máy may, áo vải...  khoảng 70 tấn do Trung Quốc và Thái Lan sản xuất, trị giá khoảng 30 tỷ đồng. Tiếp đó, vào rạng sáng 14/5, cũng tại ga Biên Hòa, cơ quan chức năng kiểm tra 2 toa tàu vận chuyển hàng từ ga Hà Nội đến ga Biên Hòa; phát hiện và tạm giữ lô hàng không đủ giấy tờ hợp lệ, gồm 247 bao kiện trọng lượng khoảng 25 tấn, ước tính khoảng 12 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc phát hiện, bắt giữ 70 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc, ngày 23/6, Chi nhánh Vận tải Đường sắt Hà Nội, thuộc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã có văn bản tạm đình chỉ 6 nhân viên phục vụ trên chuyến tàu này. Các nhân viên tạm bị đình chỉ để giải trình, báo cáo về việc thực hiện quy trình khi làm nhiệm vụ. Được biết, theo quy định của ngành đường sắt, khi nhận vận chuyển xe máy, người gửi phải xuất trình được chứng minh thư, kèm theo đó xe máy phải có biển số và đăng ký xe (bản photocopy).

Nhân viên ngành đường sắt có tiếp tay, móc nối buôn lậu?

Về công tác phòng chống buôn lậu 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội nhận định, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đánh trúng, đánh đúng các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm... Tuy vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đơn vị QLTT còn gặp một số khó khăn như tại ga Đông Anh thường có các chuyến tàu từ biên giới về, vận chuyển hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhưng thời gian dừng đỗ tại ga Đông Anh và về ga Yên Viên, Gia Lâm rất ngắn (3-5 phút) nên việc đề xuất kiểm tra cắt toa không thực hiện được. Còn ở ga Giáp Bát, trong quá trình kiểm tra thường không có chủ hàng mà chỉ có bộ phận bốc dỡ và bên đại diện vận chuyển, việc tìm và liên lạc được với chủ hàng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm...

Theo nhận định của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng với ngành đường sắt còn chưa chặt chẽ. Ngoài ra, ý thức của một bộ phận công nhân viên chức, người lao động chưa cao, vì lợi ích cá nhân nên đã có hành vi tiếp tay, dung túng cho đối tượng lợi dụng phương tiện đường sắt để vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đặc thù của ngành đường sắt là thường vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn và chỉ kiểm tra xác suất các lô hàng, do vậy các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở đó để giấu các hàng hóa buôn lậu vào trong các bao hàng lớn, điều đó cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát. Điều đáng nói là trong số những vụ phát hiện buôn lậu trên tuyến đường sắt thời gian qua, có cả hàng lậu là ma túy với số lượng lớn và pháo nổ. Thực tế này cho thấy mức độ nghiêm trọng trong hoạt động buôn lậu trên tuyến đường sắt.

Do đó, trong 6 tháng cuối năm - thời điểm hoạt động buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, ngành đường sắt sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan kịp thời nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn các hoạt động lợi dụng giao thông đường sắt để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, đặc biệt trên các tuyến Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-TP.HCM, đồng thời tăng cường kiểm tra trên một số tuyến, ga trọng điểm.

Ý kiến của bạn

Bình luận