“Nóng” xe “dù”, bến “cóc” ở TP. Hồ Chí Minh

27/08/2016 04:27

Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ chỗ 150 điểm xe “dù”, bến “cóc”, đến nay chỉ còn 36 điểm. Tuy nhiên, theo thống kê của bến xe Miền Đông, khu vực lân cận bến có khoảng trên 50 điểm đón, trả khách của các hãng xe hoạt động trá hình, núp dưới danh nghĩa xe chạy hợp đồng, xe du lịch với trung bình 400 chuyến và gần 10.000 khách mỗi ngày.

h2
Các nhà xe gom khách để trung chuyển ra đường Mai Chí Thọ đi Vũng Tàu

Ra đường là gặp xe “dù”, bến “cóc”

Ghi nhận tại các tuyến đường trung tâm TP. Hồ Chí Minh như: Nguyễn Thái Bình, Phó Đức Chính (quận 1), Mai Chí Thọ (quận 2), Trần Nhân Tôn, Trần Phú, Vĩnh Viễn (quận 5)…; các nhà xe Hoa Mai, Toàn Thắng, Kumho Samco, Trung Kiên, Kim Mã... vẫn hoạt động nhộn nhịp, ngang nhiên tập kết dừng, đón, trả khách ngay tại khu vực gắn biển cấm đậu đỗ xe khách vào giờ cao điểm. Tại các khu vực này, đội quân xe ôm, xe taxi luôn vây quanh chèo kéo mỗi lần các xe dừng trả khách, gây nên cảnh tượng bát nháo, ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm.

Sau khi UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo quyết liệt dẹp tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) đã được gắn biển cấm xe 9 chỗ. Nhưng để tiếp tục hoạt động, các nhà xe đã đối phó bằng cách dùng hàng loạt xe loại 7 chỗ trung chuyển hành khách. Đội TTGT số 5 (thuộc Thanh tra Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh) cho biết, từ đầu năm đến nay tại đường Mai Chí Thọ, Đội đã xử phạt 22 trường hợp với số tiền hơn 20 triệu đồng. Cụ thể, có 8 trường hợp (trong đó có 2 trường hợp nhà xe Hoa Mai, 01 trường hợp nhà xe Toàn Thắng) bị tước giấy phép lái xe 01 tháng. Mấy ngày đầu cắm biển, Đội tăng cường lực lượng kiểm tra và hiện nay duy trì lực lượng kiểm tra, xử phạt vào giờ cao điểm.

Tương tự, tại một số tuyến đường Lê Hồng Phong, Trần Phú, Trần Nhân Tôn, Vĩnh Viễn (quận 5), tình trạng xe “dù” cũng diễn ra nhức nhối. Sau khi tuyến đường Lê Hồng Phong gắn biển cấm xe khách, nhà xe Thành Bưởi đã đối phó bằng cách lập bến “cóc” ngay tại đầu đường Vĩnh Viễn - Lê Hồng Phong, cách bãi xe cũ không xa. Hành khách có nhu cầu đi tuyến TP. Hồ Chí Minh - Đà Lạt sẽ được tập kết lên xe tại đây rồi nhà xe chạy vòng qua nhiều tuyến đường nhỏ đưa hành khách ra được khỏi trung tâm Thành phố. Đây là nguyên nhân gây tắc đường vào giờ cao điểm tại các tuyến phố có nhiều phương tiện lưu thông.

h1
Đường Mai Chí Thọ đã được Sở GTVT TP.HCM cắm biểm cấm dừng, đậu vào giờ cao điểm đối với xe ô tô trên 9 chỗ nhưng xem ra biện pháp này cũng không có tác dụng

Nâng cao quản lý, siết chặt kinh doanh vận tải

Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tình trạng bến “cóc”, xe “dù” hiện nay đang còn “nhập nhèm” giữa xe liên tỉnh và xe hợp đồng. Chế tài rất rõ ràng nhưng doanh nghiệp lách luật, ký hợp đồng du lịch trá hình, cho khách lên xe chạy được một quãng đường rồi mới thu tiền vé…”.

Tại hội thảo tìm giải pháp giải quyết bến “cóc”, xe “dù” tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra vào cuối tháng 5/2016, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết pháp lý cơ bản đã đầy đủ; tình trạng xe “dù”, bến “cóc” tồn tại tạo môi trường kinh doanh vận tải không lành mạnh, làm thất thu ngân sách, thiệt thòi cho hành khách khi tai nạn xảy ra, là nguyên nhân gây mất trật tự vận tải, không đảm bảo ATGT. Ông Ngọc cho rằng, các quy định khi áp dụng trong thực tế đang tồn tại bất cập nên cần phải bổ sung cho phù hợp. Việc quy hoạch bến xe tại các tỉnh, thành phố chưa hợp lý, chưa thuận tiện về giao thông cũng là nguyên nhân để xe “dù”, bến “cóc” tồn tại.

Ông Thượng Thanh Hải - Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, muốn dẹp xe “dù”, bến “cóc” cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra xe “dù”, bến “cóc”, sớm xây dựng các điểm đón, trả khách theo tuyến vận tải hành khách cố định; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý vận tải đường bộ…

“Xe “dù”, bến “cóc” làm thất thu cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, gây bất bình đẳng giữa các đơn vị làm ăn chân chính với các đơn vị hoạt động trá hình. Một trong những nguyên nhân là do một số quy định xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, cần nâng mức phạt tiền, bổ sung hình thức tạm giữ giấy phép lái xe và thu phù hiệu tuyến cố định”, ông Hải cho biết thêm.

h3
Một chiếc xe dù ngang nhiên đón trả khách trên đường Phó Đức Chính (quận 1)

Để nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách, các doanh nghiệp vận tải tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Nhà nước cần tập trung rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh giữa các loại hình vận tải, đồng thời khẩn trương hoàn thiện xây dựng các điểm đón, trả khách cho tuyến vận tải hành khách cố định; bổ sung hệ thống các biển báo cấm dừng, đỗ tại các tuyến đường hay vị trí dễ gây mất trật tự, UTGT. Các cơ quan quản lý cần tập trung vào công tác quản lý giá dịch vụ tại các bến xe nhằm bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cần tự nâng cao chất lượng dịch vụ, đây được xem là một biện pháp để hạn chế xe khách lậu. 

Để tránh tình trạng lợi dụng loại xe trung chuyển hành khách để chạy tuyến cố định, cần quy định rõ xe phải có gắn thiết bị giám sát hành trình và lộ trình của mỗi xe này chỉ có 01 điểm tập kết khách, tránh tình trạng xe trung chuyển đưa khách đến nhiều bến “cóc”. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định thu hồi phù hiệu của xe trung chuyển nếu vi phạm vì hiện nay Nghị định 86 chưa có quy định thu hồi phù hiệu của xe hợp đồng.

Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra toàn diện doanh nghiệp vận tải, có biện pháp giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng; tăng trách nhiệm và thẩm quyền của lực lượng TTGT và CSGT các địa phương, được quyền thu hồi phù hiệu ngay khi phát hiện phương tiện đó vi phạm.

Ý kiến của bạn

Bình luận