40.000 ô tô đang chờ "xuất ngoại"
Ông Viktor Lutsyk, 32 tuổi, trưởng bộ phận vận tải hàng hóa của một công ty quản lý cơ sở vật chất cho hay, tình trạng thiếu chỗ đậu xe trở nên nghiêm trọng hơn khi ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước khác về ồ ạt. Công ty của ông đang xem xét mở rộng chỗ đỗ hoặc xây dựng một cơ sở lưu giữ tạm thời ở khu vực ngoại ô. Nhiều công ty khác đang hoạt động tại cảng cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Trong khi Nhật Bản và nhiều quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sau cuộc chiến với Ukraine, xuất khẩu ô tô cũ từ Nhật Bản sang vùng viễn đông của Nga đã tăng gấp 3 lần kể từ tháng 5.
Các công ty của Nga cho biết, họ đang ngập trong những đơn đặt hàng đến từ khắp cả nước và buộc phải hạn chế đơn hàng, trong khi đang có khoảng 40.000 ô tô cũ đang chờ rời bến từ Nhật Bản.
Đại diện một công ty logistics cho biết, đơn vị sử dụng 2 tàu hàng để vận chuyển 2.000 ô tô cũ từ Nhật Bản mỗi tháng. Tuy nhiên, công ty không thể tăng năng lực vận tải vì hạn chế về dịch vụ vận chuyển hàng hóa cũng như cảng đã chật kín.
Ông Dmitriy Zabora, 38 tuổi, CEO của công ty nhập khẩu xe cũ Carwin PLC có trụ sở tại Vladivostok cho biết, ông cảm thấy lúng túng trước tình huống bất ngờ này. Hồi đầu tháng 2, công ty đã phải tạm thời ngừng nhận đơn hàng mua ô tô cũ vì những lo ngại xung quanh cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, hiện tại công ty đã quá tải đơn đặt hàng kể từ khi quay trở lại nhập khẩu từ tháng 4. Công ty nhận được khoảng 300 đơn đặt hàng vào tháng 6, tăng hơn gấp 3 lần so với trước khi cuộc xung đột nổ ra; trước xung đột, lượng đơn hàng chỉ khoảng 60-90 chiếc/tháng. Carwin PLC đã phải giới hạn đơn đặt hàng chỉ còn khoảng 200 đơn vì không thể đáp ứng khối lượng công việc.
Theo ông Zabora, 17.000-18.000 ô tô cũ của Nhật Bản được vận chuyển đến Nga mỗi tháng. Sự gia tăng mạnh mẽ của lượng đơn hàng đã gây áp lực đến việc sắp xếp, điều phối tàu chở hàng, dịch vụ kho bãi cũng như thủ tục hải quan. Tại đầu Nhật Bản, 40.000-45.000 xe đã được chốt và đang chờ ngày lên đường xuất ngoại.
Hiện tại, các công ty vận tải biển của Nhật Bản đã ngừng dịch vụ vận chuyển từ Yokohama và Kobe đến vùng viễn đông của Nga do lệnh trừng phạt kinh tế. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn sau khi một tàu chở ô tô cũ của Nga bốc cháy khi đang trên đường từ cảng Fushiki, tỉnh Toyama, Nhật Bản đến Vladivostok vào cuối tháng 6.
Đơn đặt hàng tăng mạnh do đồng ruble tăng giá
Ô tô cũ của Nhật Bản trở nên rẻ hơn nhờ tỷ giá đồng ruble của Nga tăng mạnh chính là nguyên nhân chính khiến lượng đơn đặt hàng tăng cao. Trước xung đột, 1 đồng ruble bằng 1,5 yên Nhật nhưng kể từ cuối tháng 4, đã dao động quanh mức 2,5 yên. Theo các công ty của Nhật Bản và Nga, việc chuyển tiền từ Nga sang Nhật Bản vẫn đang suôn sẻ ít nhất là đến thời điểm hiện tại.
Ông Hiroshi Sato, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu xe cơ giới Nhật Bản cho biết: "Các biện pháp trừng phạt có thể sẽ không thay đổi miễn là đồng ruble tiếp tục tăng giá".
Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine từ tháng 2, nhiều công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga và ngừng hoạt động xuất/nhập khẩu liên quan đến nước này do các lệnh trừng phạt nghiêm khắc. Nền kinh tế Nga bị cô lập với phần còn lại của thế giới, tương lai ảm đạm khiến đồng ruble sụt giá.
Thế nhưng, trong khi nhập khẩu sụt giảm mạnh, xuất khẩu dầu, khí đốt tự nhiên và các tài nguyên khác của Nga, nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia này vẫn chưa bị giáng một đòn mạnh do giá tài nguyên toàn cầu tăng cao. Tình hình này đã khiến tỷ giá hối đoái của đồng ruble tăng trở lại.
Hiện tại, sản xuất phương tiện trên toàn cầu tiếp tục bất ổn vì sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn thế giới và các yếu tố khác, dẫn đến nhu cầu về ô tô cũ ngày càng tăng. Mặc dù vậy, có thể xuất khẩu ô tô cũ vào Nga sẽ sớm đạt đỉnh do nguồn cung ô tô cũ tại Nhật Bản và các quốc gia khác đã bắt đầu cạn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.