Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính chỉ có khoảng 14.500 xe ô tô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu về nước trong tháng 10/2022, giảm khoảng 1.500 chiếc so với tháng liền trước. Đây cũng là tháng thứ 3 số lượng ô tô CBU nhập khẩu tụt dốc.
Mặc dù giảm về số lượng song giá trị kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô CBU lại có dấu hiệu hồi phục rõ rệt. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, người Việt đã chi ra khoảng 357 triệu USD để nhập khẩu ô tô CBU trong tháng vừa qua, tăng 46 triệu USD so với tháng 9.
Cộng dồn 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô CBU của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 129.000 chiếc, tương ứng là mức giá trị kim ngạch khoảng 2,97 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU lũy kế 10 tháng năm nay giảm nhẹ 0,4% về lượng và tăng nhẹ 3% về giá trị.
Nhìn vào bảng thống kê dưới đây có thể thấy thị trường ô tô nhập khẩu đang có chiều hướng khá rõ rệt. Chẳng hạn, số lượng xe nhập khẩu trong tháng 5 đạt đến 19.000 chiếc, tương ứng là 489 triệu USD giá trị. Tính ra, nếu so sánh tháng 10 với tháng 5, lượng xe CBU nhập khẩu đã bị sụt giảm đến 25,7% trong khi giá trị kim ngạch giảm 27%.
Xu hướng suy giảm ô tô nhập khẩu có một phần nguyên nhân đến từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung cầu do những ảnh hưởng địa chính trị và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, xét về nội tại thì cũng có một lý do khác rất đáng chú ý là hiện nay, một số doanh nghiệp ô tô bắt đầu quay trở lại với chiến lược lắp ráp xe trong nước thay vì tăng cường nhập khẩu như trước đây.
Đơn cử như trường hợp Ford Việt Nam. Hãng xe này mới đây đã ra mắt thị trường 3 mẫu xe mới, trong đó có hai mẫu xe được lắp ráp trong nước là Ranger và Territory, chỉ có mẫu SUV 7 chỗ ngồi Everest tiếp tục nhập khẩu từ Thái Lan. Mẫu xe bán tải Ford Ranger là đáng chú ý nhất bởi đây là một trong những mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam trong suốt một thập niên vừa qua. Trước đây, Ford Ranger được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
Hãng xe thứ hai đang có xu hướng quay về lắp ráp trong nước là Toyota. Cụ thể, hãng xe này vừa công bố chính thức chuyển 2 mẫu xe Veloz Cross và Avanza về lắp ráp trong nước kể từ tháng 12/2022. Trước đó, bộ đôi này được nhập khẩu từ Indonesia. Nếu như Veloz Cross hiện đang là mẫu xe đắt khách thứ 3 của Toyota thì Avanza cũng đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Việc một số hãng xe lớn có xu hướng quay trở lại lắp ráp trong nước đối với các mẫu xe phổ thông đắt khách đương nhiên sẽ góp phần kéo kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU giảm xuống.
Nếu xu hướng quay trở lại lắp ráp trong nước được mở rộng sang nhiều hãng xe khác, khả năng thị trường ô tô nhập khẩu sẽ thu hẹp về quy mô. Đổi lại, tỷ trọng các loại xe có giá trị lớn, chủ yếu là xe hạng sang và siêu xe, vẫn sẽ duy trì ở mức cao và thậm chí tăng lên theo tình hình phát triển của thị trường ô tô nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Điều này cũng sẽ dẫn đến một yếu tố khác biệt nữa là giá trị trung bình của mỗi chiếc xe ô tô nhập khẩu ngày càng tăng cao. Đơn cử, nếu như giá trị bình quân của một chiếc xe nhập khẩu trong tháng 9 chỉ khoảng 19.437 USD thì sang tháng 10, con số này tăng lên đến 24.620 USD/xe.
Kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 6 tháng gần đây | ||||
| Lượng | Giá trị | So cùng kỳ 2021 (%) | |
Lượng | Giá trị | |||
Tháng 5/2022 | 19.000 | 489.000.000 | 122,2 | 133,2 |
Tháng 6/2022 | 15.000 | 352.000.000 | 97,9 | 104,1 |
Tháng 7/2022 | 17.000 | 312.000.000 | 118,5 | 108,4 |
Tháng 8/2022 | 18.000 | 375.000.000 | 177,3 | 171,1 |
Tháng 9/2022 | 16.000 | 311.000.000 | 185,3 | 158,7 |
Tháng 10/2022 | 14.500 | 357.000.000 | 94,9 | 103,2 |
Cộng dồn 2022 | 128.996 | 2.971.000.000 | 99,6 | 103,0 |
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.