Người Việt đã chi hơn 2,4 tỷ USD nhập khẩu ô tô nguyên chiếc

Tác giả: An Nhi

saosaosaosaosao
Thị trường 26/09/2022 11:31

Tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tính đến hết ngày 15/9 đã chính thức vượt mốc 2,4 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm 2021.

Toyota Corolla Cross

Toyota Corolla Cross - mẫu xe đắt khách thứ 2 trên thị trường đang được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.

Chi tiết hơn, báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, lượng ô tô nguyên chiếc (CBU) đã mở tờ khai hải quan cộng dồn từ đầu năm đến giữa kỳ tháng 9/2022 đạt con số 104.103 xe, tương ứng là mức giá trị kim ngạch trên 2,4 tỷ USD.

Trong đó, các loại xe du lịch chở người dưới 10 chỗ ngồi chiếm tỷ lệ áp đảo với 84.088 chiếc, đạt giá trị 1,6 tỷ USD. Nhóm xe tải và xe chuyên dụng đạt 12.649 chiếc với mức giá trị xấp xỉ 441 triệu USD. Xe chở khách từ 10 chỗ ngồi trở lên chỉ được nhập khẩu nhỏ giọt với tổng lượng xe thông quan vẻn vẹn 103 chiếc, đạt giá trị gần 1,57 triệu USD.

Tính riêng 15 ngày đầu tháng 9, đã có 7.914 ô tô nguyên chiếc được thông quan, đạt giá trị 153,6 triệu USD. Các loại xe du lịch vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo với 6.970 chiếc và trên 119 triệu USD giá trị.

Có thể thấy, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô CBU vẫn đang duy trì ở mức cao kể từ đầu năm đến nay. Thị trường ô tô Việt Nam đã bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng cuối năm khi nhu cầu mua sắm phương tiện ngày một lớn hơn. Vì vậy, dự báo kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU các tháng còn lại của năm 2022 sẽ tiếp tục tăng lên.

Điểm đáng chú ý là mặt hàng ô tô nhập khẩu đang ngày càng rút ngắn khoảng cách với các loại xe lắp ráp trong nước (CKD).

Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng dung lượng thị trường ô tô cộng dồn 8 tháng năm 2022 đạt 262.940 chiếc, trong đó sản lượng các loại xe CKD đạt 152.765 chiếc còn lượng xe CBU về nước đạt 110.175 chiếc.

Thực tế cũng cho thấy, các hãng ô tô đang có xu hướng dịch chuyển danh mục sản phẩm từ lắp ráp CKD sang nhập khẩu CBU nhằm được hưởng lợi từ lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Đáng lưu tâm nhất là kể từ khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô CBU từ các nước Đông Nam Á giảm về 0% ngày 1/1/2018 theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các liên doanh ô tô đã tăng cường danh mục xe nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan.

Có thể thấy rõ, đa số các mẫu ô tô nhập khẩu ASEAN hiện nay đều nằm trong nhóm xe đắt khách trên thị trường. Đơn cử 2 mẫu xe bán chạy nhất thị trường tháng 8/2022 là Mitsubishi Xpander và Toyota Corolla Cross đều đang được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia và Thái Lan.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các liên doanh ô tô dù được hưởng ưu đãi cho nhà máy lắp ráp song đang ngày càng mở rộng sang hướng nhập khẩu. Tình trạng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn nếu các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước không sớm được đẩy mạnh hơn và điều chỉnh bám sát với tình hình trong nước và thế giới.

Ý kiến của bạn

Bình luận