Ô tô nhập khẩu vẫn ồ ạt về nước dù sức mua suy giảm

Tác giả: An Nhi

saosaosaosaosao
Thị trường 30/03/2023 06:19

Bất chấp sức mua trong nước suy giảm, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 3 tháng đầu năm nay tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

ô tô nhập khẩu

Phần lớn xe nhập khẩu về nước thời gian qua thuộc các đơn hàng đã ký từ năm 2022.

Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính có khoảng 41.780 xe ô tô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu về nước trong 3 tháng đầu năm nay, đạt giá trị kim ngạch 903 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cộng dồn quý 1/2023 tăng 76% về lượng và tăng 60,8% về giá trị.

Tính riêng trong tháng 3/2023, lượng ô tô nhập khẩu về nước ước đạt 15.000 chiếc, tương ứng là mức giá trị kim ngạch 332 triệu USD, tăng 48,8% về lượng và tăng 48,5% về giá trị so với cùng kỳ 2022.

Đây có thể xem là một hiện tượng lạ khi mặt hàng ô tô nhập khẩu đang ngược dòng những diễn biến không mấy sáng sủa của thị trường ô tô trong nước.

Trong 2 tháng đầu năm nay, sức mua ô tô trên toàn thị trường duy trì ở mức khá thấp. Cụ thể, tổng lượng ô tô bán ra trong tháng đầu năm chỉ đạt 17.314 chiếc. Sang đến tháng 2, sức mua ô tô đã tăng lên đang kể dù vẫn ở mức khá thấp nhờ những nỗ lực giảm giá của hãng xe, đạt tổng cộng 28.913 chiếc.

Bức tranh thị trường năm 2023 còn được dự báo sẽ rất ảm đạm. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm hiện tại, các hãng ô tô đang bị tồn kho khoảng 38.000 chiếc.

Đứng trước viễn cảnh u ám của thị trường, mới đây, Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thông qua chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước (CKD).

Sau khi Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của VAMA, nhóm các hãng xe nhập khẩu chính hãng (VIVA) cũng đã lên tiếng "đòi" được ứng xử công bằng với xe lắp ráp trong nước. Cụ thể, VIVA cho rằng tình trạng tồn kho của các hãng xe nhập khẩu còn nặng nề hơn và vì vậy, ô tô CBU cũng cần được hưởng chính sách hỗ trợ tương tự.

Như vậy, có thể thấy hiện tượng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô CBU tăng trưởng là do vẫn đang trong đà quán tính kéo dài từ nửa cuối năm ngoái. Tại giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, sức mua ô tô trên thị trường tăng trưởng rất mạnh góp phần tạo nên dấu mốc kỷ lục khi lần đầu tiên vượt qua con số 500.000 xe/năm, trong đó mặt hàng ô tô CBU có sự đóng góp đáng kể với trên 40%. 

Đại diện một hãng xe nhập khẩu cho biết, đa số lượng xe nhập khẩu được thông quan thời gian vừa qua là do các hợp đồng đã được ký kết với đối tác nước ngoài từ năm ngoái. "Xe tồn kho lớn trong khi sức mua đang suy giảm thì không có lý do gì các hãng xe tăng cường nhập khẩu", vị đại diện này cho biết.

Dự báo trong thời gian tới, kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU sẽ đi vào vùng suy giảm. Tuy nhiên, nếu chính sách hỗ trợ từ Chính phủ được áp dụng cho cả xe CKD lẫn xe CBU, khả năng hồi phục cũng sẽ trở nên sáng sủa.

ô tô nhập khẩu

 

Ý kiến của bạn

Bình luận