PGS. TS. Tống Trần Tùng: Người thầy “nhặt nghề - góp nghiệp”...

Tác giả: Bảo Châu

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 24/11/2022 11:38

Những năm qua, trên nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm, những vấn đề kỹ thuật phức tạp về vật liệu, công nghệ, kết cấu công trình giao thông, hình ảnh PGS. TS. Tống Trần Tùng đã trở nên thân thuộc khi ông luôn có mặt để tham góp ý kiến, đưa ra những phân tích, nhận định, phản biện hữu ích giúp các đơn vị kịp thời


PGS. TS. Tống Trần Tùng nguyên là Trưởng Bộ môn Kết cấu, Trưởng khoa Công trình (Trường Đại học GTVT); nguyên là người đứng đầu Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng KHCN, Cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT qua nhiều thời kỳ Bộ trưởng. Cả cuộc đời, PGS. TS. Tống Trần Tùng gắn bó và đóng góp thầm lặng cho sự nghiệp trồng người và nghiên cứu KHCN của ngành GTVT.

PGS. TS. Tống Trần Tùng: Người thầy “nhặt nghề - góp nghiệp”... - Ảnh 1.

PGS. TS. Tống Trần Tùng góp ý chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 Hà Nội và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 28/4/2022

Tự hào khi được gọi chữ "thầy"

"Với hơn một phần tư thế kỷ làm công tác giảng dạy ở Trường Đại học GTVT, dù chỉ giảng dạy các môn kỹ thuật cơ sở nhưng điều làm tôi tâm đắc nhất là mình đã góp phần đào tạo được hàng trăm, hàng nghìn kỹ sư xây dựng giao thông. Cảm động nhất là rất nhiều người trong số đó dù ở cương vị công tác nào vẫn thường xuyên gắn bó với tôi trong chuyên môn, trao đổi, thảo luận về những vấn đề kỹ thuật, công nghệ mà họ gặp trong thực tiễn rồi mời tôi cùng đến tận hiện trường để cùng nhau giải quyết", PGS. TS. Tống Trần Tùng chia sẻ và cho biết đó là những tình cảm thật sự cao quý, đáng trân trọng mà chỉ có những người làm nghề giáo như ông mới cảm nhận hết được. Nhiều sinh viên dù không được ông trực tiếp hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp nhưng hơn 30 năm từ khi ra trường đến nay, cứ vào dịp 20/11 và Tết Nguyên đán họ lại mang hoa đến tận nhà riêng để chúc mừng, chúc Tết ông.

Trong những tháng năm giảng dạy ở trường, ông cùng các đồng nghiệp trong Bộ môn, trong Khoa đã gắn kết được với các đề tài, các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước... để đưa được các kết cấu mới, công nghệ mới, vật liệu mới... ứng dụng vào các công trình xây dựng giao thông nói riêng và các công trình xây dựng khác nói chung. Nhờ vậy, nhiều vấn đề kỹ thuật đã được xử lý, được đồng nghiệp, giới khoa học ghi nhận và đánh giá cao như: xử lý kỹ thuật vào năm 1984 đối với các chuỗi liên tục nhiệt của cầu dẫn cầu Thăng Long; sự cố gãy cần cẩu được tổ hợp từ các thanh vạn năng trong khi cẩu lắp dầm thép cầu Phú Lương năm 1973; sự cố nứt bê tông ở nhà máy tàu biển Phà Rừng năm 1983; sự cố sập đổ cầu Rào năm 1987; nứt móng rạp xiếc Hà Nội; sửa chữa đường cất, hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất đầu những năm 80 của thế kỷ trước; nâng tầng nhà ăn ở ký túc xá Láng với mái vỏ gập nhịp lớn bằng kết cấu xi măng lưới thép, mái vòm vỏ mỏng của nhà ga Đồng Đăng...

Bên cạnh những niềm vui, niềm tự hào gắn liền với hình ảnh, sự kiện ghi dấu thì cũng không ít những điều chưa trọn vẹn mà cuộc đời làm khoa học của ông phải nhiều lần chứng kiến. Đó là sự dang dở trong việc xây dựng hội trường lớn mái vỏ cong hai chiều vượt khẩu độ 24 m vì thiếu kinh phí dù đã thiết kế xong và thậm chí đã xây dựng xong hệ móng, hệ cột. Hội trường này về sau đã được Bộ Đại học cấp kinh phí nhưng kết cấu mái đã bị thay đổi bằng một hệ dàn mái bằng thép thông thường như đang tồn tại hiện nay.

PGS. TS. Tống Trần Tùng: Người thầy “nhặt nghề - góp nghiệp”... - Ảnh 2.

PGS. TS. Tống Trần Tùng (người thứ hai từ trái sang) trên công trường xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 ngày 14/11/2021 cùng đoàn công tác đánh giá thử nghiệm để hoàn thiện quy trình công nghệ thi công cọc khoan nhồi đường kính 2,5 m, hạ sâu đến 100 m

Luôn hun đúc ngọn lửa đam mê, cống hiến

Giảng dạy trong lĩnh vực kỹ thuật cơ sở khô cứng, chưa trực tiếp với các lĩnh vực xây dựng chuyên ngành, bản thân PGS. TS. Tống Trần Tùng nhiều lần vấp phải trở ngại trong vấn đề tiếp nhận và truyền đạt kiến thức. Trong công tác đào tạo, nghiên cứu thường xuất hiện tính thụ động, sức ỳ và bảo thủ trong quá trình nhận thức. Điều này xuất phát từ căn bệnh sao chép tùy tiện và suy diễn chủ quan, cũng chính là căn bệnh "tầm chương trích cú" và võ đoán. Căn bệnh này thường có mặt trước hết từ đội ngũ giảng viên và rất dễ lây truyền sang sinh viên. Đối với lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, một khi các khái niệm được nhận thức sai bản chất thì hệ lụy, hậu quả của chúng là khôn lường. Để thay đổi được phương pháp luận và quá trình nhận thức này đòi hỏi tính kiên trì, lập luận logic, tri thức và nhất là sự đam mê của người làm công tác giảng dạy, đào tạo. Để nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê trong công tác nghiên cứu khoa học, theo PGS. TS. Tống Trần Tùng thì hãy nhìn vào những thành quả đã đạt được và những giá trị đang chờ ông và đồng nghiệp chinh phục ở phía trước. Đó là động lực, là nguồn sức mạnh vô hình ngày đêm tiếp dẫn vào huyết quản đối với những con người như ông.

Không chỉ trên cương vị là giảng viên mà ở góc độ quản lý khoa học, PGS. TS. Tống Trần Tùng luôn trăn trở, nặng lòng với sự nghiệp khoa học công nghệ ngành GTVT. Dù tuổi tác đã bước qua thời sung sức nhưng với ông ngọn lửa nhiệt huyết vẫn luôn bùng cháy, sẵn sàng ra Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển, sang Âu về Mỹ. Theo PGS. TS. Tống Trần Tùng, được làm công việc mình yêu thích, được cống hiến một phần sức lực nhỏ bé cho Ngành, cho đất nước là điều vô cùng hạnh phúc. PGS. TS. Tống Trần Tùng tâm sự: "Điều làm tôi trăn trở, đau đáu chính là sự lãng phí xã hội do một số chủ trương, giải pháp kỹ thuật, công nghệ... được áp đặt từ căn bệnh sao chép tùy tiện và suy diễn chủ quan gây ra. Tôi cho rằng sự lãng phí này còn đáng sợ hơn so với hậu quả của sự hối lộ, tham nhũng bởi sự cố, hậu quả để lại từ những dự án, công trình như vậy là vô cùng lớn. Tôi coi những đóng góp nhỏ nhoi của mình là nghĩa vụ suốt đời, là việc mình phải làm, phải thực hiện".

Khi được hỏi có lời nhắn nhủ gì đến những kỹ sư giao thông tương lai đang ngày đêm tu rèn, kiến tạo cho đất nước những cây cầu, con đường bề thế, hiện đại, rộng dài cùng đất nước, PGS. TS. Tống Trần Tùng cười: "Xin mời mọi người đón đọc những dòng "Tạp bút" của tôi trong bộ sách nhiều tập: "Nhặt nghề - Góp nghiệp, chuyện giờ mới kể về các công trình xây dựng", trong đó tập 1 của bộ sách đang được Nhà xuất bản GTVT biên tập và in ấn.

PGS. TS. Tống Trần Tùng hồ hởi: "Xin trích lời giới thiệu của GS. TSKH. Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng, nguyên Chủ tịch Hội đồng KHCN GTVT viết cho bộ sách này để mọi người có thể tìm thấy những tâm nguyện của tôi: "Tất cả đã được anh giãi bày qua những dòng "Tạp bút" trong bộ sách nhiều tập "Nhặt nghề - Góp nghiệp", để rồi độc giả nhận ra một Tống Trần Tùng say mê hết mực với nghề nghiệp, một chuyên gia cầu đường mẫn tiệp, luôn nỗ lực hết mình và đầy tâm huyết... "Nhặt nghề - Góp nghiệp" là những trải nghiệm, thông điệp về chuyên môn của một người đam mê, tâm huyết với nghề xây dựng nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông nói riêng. Qua những trang viết của cuốn sách này, có thể nhận ra mong muốn của người viết là để bạn đọc là những đồng nghiệp, kể cả những sinh viên ngành Xây dựng... từng quan tâm, trăn trở trước các vấn đề áp dụng kết cấu mới, công nghệ mới, vật liệu mới... cảm nhận được sự chia sẻ, những đồng cảm, những trải nghiệm, những thông điệp cần thiết. Để rồi với tình yêu nghề nghiệp, người đọc sẽ cảm thấy những thông điệp đó như là những gì mà tác giả muốn gửi riêng cho chính mình. Không chỉ có vậy, các bài viết dưới hình thức tản văn, tạp văn, tạp bút... của bộ sách sẽ còn đem đến cho bạn đọc những câu chuyện đời, chuyện nghề thú vị và đáng suy ngẫm".