Phải đặt lên hàng đầu quản chất lượng xây dựng công trình giao thông

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Bạn đọc 11/03/2020 15:22

Mới đây, Bộ GTVT đã tổ chức Hội thảo với chủ đề "Nâng cao chất lượng các công trình giao thông". Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện về công tác quản lý đảm bảo chất lượng xây dựng công trình hạ tầng giao thông, Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông xung quan vấn này.

 

01 (7)

Thưa Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, trong những năm qua mặc dù nguồn vốn ngân sách gặp khó khăn nhưng nhờ áp dụng các cơ chế chính sách huy động vốn xã hội phù hợp nên ngành GTVT tiếp tục triển khai và khánh thành, đưa vào sử dụng nhiều dự án giao thông quan trọng, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế là việc huy động vốn và triển khai dự án đã khó nhưng không khó bằng việc đảm bảo tiến độ thi công, duy trì chất lượng công trình để phát huy hiệu quả khai thác. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về việc này?  

Từ năm 2015 đến nay, ngành GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng khoảng 230 công trình, dự án, trong đó có 186 công trình (chiếm 80% số lượng công trình) là công trình cầu, đường bộ. Các công trình đưa vào khai thác đều cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế, an toàn công trình... 

Để đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình giao thông, bên cạnh việc chủ động tham gia xây dựng góp ý luật và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai..., Bộ GTVT cũng đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đầu tư xây dựng, yêu cầu các chủ thể tham gia thực hiện nghiêm túc các quy định về áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm tăng cường chất lượng thiết kế và thi công. 

Đặc biệt, chuẩn bị triển khai các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành thêm một số quy định như: Sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án; Quy định kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình; ban hành mẫu hồ sơ nghiệm thu, quy trình thủ tục nghiệm thu thanh toán và nghiệm thu hoàn thành công trình…

Để có số lượng các công trình quy mô lớn, đạt chất lượng cao ngày càng nhiều như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, hầm đường bộ Đèo Cả, cầu Cao Lãnh, theo Thứ trưởng đâu là công việc được Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt?

anh bai 1

Bộ GTVT luôn đề cao và tăng cường hệ thống quản lý chất lượng, thường xuyên quán triệt tới các đơn vị toàn Ngành. Về chỉ đạo, lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp giao ban định kỳ, đột xuất để chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm ngay những vấn đề có liên quan đến tiến độ và chất lượng, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm của Ngành. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm định đã phát hiện những sai sót và có những biện pháp xử lý, công khai trước dư luận, do đó đã có những tác động tích cực đến xã hội. Các tổ chức và cá nhân tham gia dự án đã chủ động tự kiểm điểm, nâng cao vai trò trách nhiệm, dám nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh để sửa chữa, khắc phục.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trước khi bàn giao đưa vào sử dụng. Qua quá trình kiểm tra, cơ bản các công trình đã được chủ đầu tư tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành. Khi kiểm tra phát hiện những vấn đề tồn tại, thiếu sót, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan khắc phục, sửa chữa đảm bảo theo yêu cầu trước khi bàn giao đưa vào sử dụng. Bộ cũng chủ động mời các đơn vị kiểm định độc lập đối với một số công trình, hạng mục công trình quan trọng, kết cấu phức tạp, điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn không thuận lợi hoặc chỉ định đơn vị kiểm định độc lập khi có nghi ngờ về chất lượng thi công.

Nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng thực hiện các dự án, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu chấn chỉnh, phê bình các đơn vị có vi phạm về tiến độ, chất lượng công trình giao thông. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Bộ đã phê bình 151 trường hợp do có vi phạm về tiến độ, chất lượng công trình giao thông (trong đó 67 trường hợp nhà thầu thi công; 26 trường hợp tư vấn thiết kế; 30 trường hợp tư vấn giám sát và 28 trường hợp các ban QLDA, chủ đầu tư, nhà đầu tư). Hằng năm, Bộ GTVT đều công bố bảng đánh giá và xếp hạng đối với các chủ đầu tư, ban QLDA căn cứ trên kết quả thực hiện năm trước đó. Kết quả xếp hạng và đánh giá đúng thực trạng của đơn vị, được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó có tác động tích cực đến ý thức, trách nhiệm của các chủ đầu tư, ban QLDA và các đơn vị tham gia thực hiện dự án, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án.

Thế còn các giải pháp kỹ thuật - công nghệ, vật liệu và thiết bị thi công hiện đại được Bộ GTVT đưa vào áp dụng thế nào thời gian qua, thưa Thứ trưởng?

Song song với các giải pháp kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, Bộ GTVT đã khuyến khích các đơn vị mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật - công nghệ tiến tiến nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu, góp phần giảm giá thành xây dựng. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được sử dụng như công nghệ thi công và kiểm tra chất lượng cọc khoan nhồi đường kính lớn; công nghệ cào bóc tái chế mặt đường bê tông nhựa bằng bi-tum bọt và xi măng...; công nghệ thi công đào hầm bằng phương pháp NATM... Những công nghệ mới được khuyến khích nhân rộng. Để giải quyết khó khăn do nguồn cung cấp vật liệu khan hiếm, chất lượng không đồng đều, vật liệu đá không đảm bảo yêu cầu về thành phần hạt, hàm lượng thoi dẹt, độ dính bám đá với nhựa khi nhiều dự án được triển khai đồng loạt, Bộ GTVT đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị áp dụng các giải pháp về vật liệu như: sản xuất vật liệu đá đảm bảo các yêu cầu về thành phần hạt; sử dụng giải pháp gia cố xi măng để nâng cao cường độ và tiết kiệm vật liệu; sử dụng phụ gia Wetfix BE tăng khả năng dính bám đá với nhựa…

Chất lượng công trình là yếu tố chủ đạo đảm bảo cho các chỉ tiêu an toàn, tuổi thọ và hiệu quả đầu tư xây dựng công trình. Để bảo đảm chất lượng các công trình hạ tầng giao thông, xin Thứ trưởng cho biết thời gian tới Bộ GTVT sẽ tập trung thực hiện những biện pháp cụ thể nào?

Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các chủ đầu tư, ban QLDA luôn luôn nhận thức công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng là yếu tố hàng đầu trong hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực các chủ thể; đặt mục tiêu chất lượng sản phẩm xây dựng phải đạt các tiêu chuẩn qui định, kiên quyết không để xảy ra trường hợp công trình không đạt yêu cầu về chất lượng, công trình vừa xây dựng xong đưa vào khai thác đã xuất hiện hư hỏng.

Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng công trình, thời gian tới Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp như sau:

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến chất lượng, tiến độ công trình giao thông. Trong đó, cần quy định cụ thể hơn nữa về trách nhiệm của người quyết định đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn và nhà thầu xây lắp về công tác quản lý chất lượng công trình trong quá trình chuẩn bị và triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, trong đó phải xác định yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến công tác thẩm định là con người; phát huy sự tham gia của tư vấn độc lập, sự phản biện, giám sát của xã hội...; tăng cường theo dõi, đánh giá, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình thực hiện các dự án, đặc biệt là các chủ đầu tư dự án, các tổ chức tư vấn (tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định và tư vấn thẩm định, nhà thầu thi công xây dựng công trình.

Khuyến khích các chủ đầu tư áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong thiết kế và sử dụng vật liệu mới nhằm đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng công trình và giảm chi phí xây dựng. 

Thực hiện nghiêm công tác quản lý chi phí xây dựng công trình theo đúng các quy định hiện hành.

Bên cạnh những mặt đạt được thì quản lý chất lượng công trình giao thông vẫn còn một số tồn tại liên quan đến quy định pháp luật và thực tế thi công. Vấn đề này sẽ được lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo khắc phục thế nào trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Đối với các dự án có gói thầu tư vấn thiết kế độc lập (không bao gồm tư vấn giám sát) tại các dự án sử dụng vốn ODA hoặc vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài, mặc dù trong các hợp đồng tư vấn có quy định về việc giám sát tác giả của tư vấn thiết kế nhưng không có quy định về số lượng “man-month” hoặc giá trị kinh phí giữ lại để thực hiện việc giám sát tác giả của tư vấn thiết kế. Do vậy tại các dự án này, việc huy động tư vấn thiết kế để sửa chữa hoặc điều chỉnh thiết kế do lỗi của tư vấn thiết kế gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án. Mặt khác, các chế tài đưa ra để xử lý các vi phạm về chất lượng, tiến độ còn nhiều hạn chế, chưa rõ ràng, đầy đủ. Ví dụ trong đấu thầu chỉ đưa ra việc xem xét lịch không hoàn thành hợp đồng của nhà thầu để xét thầu, đối với trường hợp nhà thầu có vi phạm về chất lượng, tiến độ thì không có hình thức cấm tham gia đấu thầu nên chưa đủ sức mạnh răn đe.

Một số công trình khi mới đưa vào khai thác, sử dụng xuất hiện những hư hỏng cục bộ, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe hay ở một số công trình trong quá trình thi công có xảy ra sự cố như: nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P28, P29 Dự án cầu Vàm Cống; hiện tượng nứt tại một số trụ, bản mặt phần cầu cạn gói J2, Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; sự cố lún sụt trên đoạn tránh Chư -Sê... Đồng thời, có một số dự án mặc dù chưa hoàn thiện, nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân quanh khu vực dự án đi qua, Bộ GTVT đã chấp thuận thông xe, khai thác tạm thời. Tuy nhiên, việc chủ động thông tin đến xã hội chưa tốt nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đánh giá của xã hội về chất lượng công trình giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, công tác bảo hành công trình giao thông còn hạn chế do một số nhà thầu còn chậm trễ trong việc thực hiện trách nhiệm bảo hành. Cụ thể tại các dự án mở rộng QL1, công tác khắc phục, sửa chữa mặt đường còn chậm, chưa triệt để, một số vị trí chưa đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn trong những ngày thời tiết xấu. 

Đây là những vấn đề đang được lãnh đạo Bộ tập trung chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới. 

Hiện nay, Bộ GTVT đang chuẩn bị triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, tính chất công việc phức tạp như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành... Do vậy, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng càng phải được xem trọng. Lãnh đạo Bộ GTVT quyết tâm không để xảy ra bất cứ sai sót, khiếm khuyết nào về chất lượng đối với các công trình này.

Xin trân trọng cảm ơn 

Thứ trưởng!

Ý kiến của bạn

Bình luận