Bước vào giai đoạn khó khăn
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, từ đầu năm đến nay, một khối lượng công việc rất lớn đã được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành các mục tiêu. Mọi mặt công tác của Bộ GTVT tương đối tốt so với mặt bằng chung của cả nước, nhất là công tác giải ngân của Bộ ở mức cao hơn các bộ, ngành, địa phương.
Dẫu vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, từ tháng 6, ngành GTVT bước vào giai đoạn khó khăn, đòi hỏi trách nhiệm, sự nỗ lực có hiệu quả cao của toàn Ngành, đặc biệt là một số đơn vị có kết quả công tác chưa tốt trong những tháng qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, áp lực lớn nhất từ nay đến cuối năm là nhiệm vụ đưa 4 dự án cao tốc thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 “cán đích” đúng tiến độ yêu cầu trong năm 2022, gồm: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Một trong những vấn đề bất cập dễ nhận thấy nhất tại 4 dự án này được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ là sự chênh lệch rất lớn về sản lượng tiến độ, trong khi cả 4 dự án phải cùng hoàn thành vào một thời điểm. Cụ thể, theo báo cáo của Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) Bùi Quang Thái, đến cuối tháng 5, tiến độ của đoạn Mai Sơn - QL45 đạt 62,3%, đoạn Cam Lộ - La Sơn đạt 86%, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 38,4% và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đạt 45%.
Đối với sự chênh lệch về tiến độ này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh 4 dự án phải hoàn thành đúng kế hoạch trong năm 2022. “Vướng mắc chỗ nào, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải “lăn xả” vào mà giải quyết; phải tranh thủ từng ngày, từng giờ, tranh thủ thời tiết thuận lợi, làm 3 ca, 4 ca... làm sao để đảm bảo được 4 tuyến cao tốc này về đích đúng hẹn”, Bộ trưởng yêu cầu.
Trong đó, Bộ trưởng chỉ rõ, hai dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây phải tăng tiến độ từng ngày thì mới đảm bảo hoàn thành kế hoạch cùng các dự án khác. Tình trạng chênh lệch tiến độ cũng diễn ra ở 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 còn lại, trong đó đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt mới đạt 5% và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đạt 13%, trong khi cả hai dự án này cùng về đích năm 2024. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục QLXD&CLCTGT phải nắm chắc tình hình để tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT đốc thúc tiến độ đúng kế hoạch.
Một trọng tâm khác ở thời điểm hiện tại của Bộ GTVT là các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, hết tháng 6/2022 phải phê duyệt toàn bộ các dự án thành phần. “Tất cả các cơ quan, đơn vị phải tập trung từng ngày, từng giờ, vướng chỗ nào phải giải quyết ngay, tiến độ phải đảm bảo song hành với chất lượng được đặt lên hàng đầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng nhìn nhận, kết quả giải ngân của Bộ GTVT đang ở mức cao nhất cả nước, bình quân khoảng 3,8 nghìn tỷ đồng mỗi tháng nhưng vẫn còn tới 35 nghìn tỷ đồng phải giải ngân theo kế hoạch năm 2022. Như vậy, bình quân mỗi tháng phải giải ngân cao hơn nữa mới đảm bảo kế hoạch cả năm, phải đạt kết quả giải ngân khoảng 5 nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát lại kế hoạch để cân đối các hạng mục công việc nhằm tăng năng lực giải ngân ngay từ tháng 6/2022.
Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của 3 cao tốc khởi công năm 2023
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV vừa qua đã nghe báo cáo và thảo luận về chủ trương đầu tư 3 dự án cao tốc gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) và Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Tại kỳ họp, một số ý kiến đại biểu Quốc hội nhìn nhận, việc triển khai nhiều dự án cao tốc hiện nay sẽ cần nguồn lực rất lớn, bởi các cao tốc có quy mô yêu cầu kỹ thuật phức tạp và cùng thực hiện trong khoảng thời gian ngắn (khoảng 2 năm). Trong khi đó, các địa phương được giao triển khai thực hiện 3 dự án này chưa có kinh nghiệm về tổ chức thực hiện dự án đường cao tốc. Vì vậy, việc triển khai 3 dự án có thể sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, 3 dự án cao tốc cấp thiết cần được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển đất nước. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công cần phải được đánh giá một cách đầy đủ hơn để có giải pháp kịp thời, đồng bộ. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 3 dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai, đồng thời cần tăng cường vai trò của Bộ GTVT trong việc tổ chức thực hiện.
Theo kiến nghị của Chính phủ, để thuận lợi cho việc phân cấp cần phân chia các dự án thành phần theo nguyên tắc nằm trên địa bàn một tỉnh nhưng việc phân chia này sẽ không đảm bảo điều kiện vận hành độc lập của các dự án thành phần. Do đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn giải pháp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cho toàn bộ các dự án này và thuận lợi cho việc quản lý, khai thác, vận hành, thu phí về sau.
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày tại Quốc hội, 3 dự án cao tốc này có vai trò vô cùng cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao, giải quyết các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác tối ưu lợi thế của vùng Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cả 3 dự án dự kiến khởi công trong năm 2023, hoàn thành vào năm 2025, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn vận hành khai thác nhằm bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và các cơ quan quản lý, khai thác dự án.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) có chiều dài khoảng 188,2 km, quy mô 4 làn xe; đi qua tỉnh An Giang (khoảng 56,7 km), TP. Cần Thơ (khoảng 37,7 km), tỉnh Hậu Giang (khoảng 37,7 km) và tỉnh Sóc Trăng (khoảng 56,1 km); tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) có chiều dài khoảng 117,5 km, kết nối TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với cảng biển Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) có chiều dài khoảng 53,7 km; quy mô 4 - 6 làn xe; đi qua tỉnh Đồng Nai (34,2 km), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (19,5 km); tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.