Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình thăm, động viên nạn nhân TNGT |
Liên tiếp tai nạn đặc biệt nghiêm trọng
Chỉ tính riêng từ tháng 7 đến nay, cả xã hội bàng hoàng khi liên tục xảy ra 5 vụ TNGT với mức độ đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của 36 người và làm 64 người bị thương. Trong 5 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng này, có 4 vụ liên quan đến xe khách, xe tải trọng lớn chạy đường dài.
Đau xót nhất phải kể đến là vụ TNGT xảy ra vào ngày 26/7 khi xe 45 chỗ chở đoàn cựu học sinh họp lớp bị lật tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình khiến 15 người chết, 21 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra làm rõ, tuy nhiên bước đầu xác định tài xế không có bằng lái xe 47 chỗ ngồi. Công an tỉnh Quảng Bình cũng xác định, vụ TNGT này có dấu hiệu tội phạm, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Mới đây nhất là vào ngày 04/8, trên QL5 đoạn qua quận Long Biên, TP. Hà Nội, xe container đã chèn thẳng rồi đè bẹp chiếc ô tô con đang dừng đèn đỏ khiến 3 người chết, 1 người trọng thương. Tài xế container khai rằng do buồn ngủ nên không làm chủ được tay lái.
Trước đó, ngày 21/7 tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, xe khách 16 chỗ chạy lấn làn đâm vào xe tải chiều ngược lại khiến 8 người chết, 7 người bị thương. Tài xế điều khiển xe khách trong vụ TNGT này chưa được xác định. Ngày 11/7, xe khách mang BKS Thanh Hóa chạy không đúng lộ trình đã lao xuống vực khi đang đổ đèo Ngọc Vinh, tỉnh Kon Tum khiến 6 người chết, 35 người bị thương.
Có thể thấy, TNGT đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua đang nổi lên như một vấn nạn, kìm hãm kết quả của công tác đảm bảo trật tự ATGT vốn đang được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nỗ lực kéo giảm toàn diện.
Cần mạnh tay với chủ xe
Trước diễn biến phức tạp đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo toàn diện về công tác đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt chú trọng tới việc xử lý tồn tại và ngăn chặn TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Thủ tướng nhấn mạnh, lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trật tự ATGT, nhất là vi phạm của lái xe tải, xe khách. Bộ Công an cần có phương án tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe chở khách, xe chở hàng hoạt động trong thời gian từ 21h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau. Trường hợp phát hiện lái xe vi phạm nồng độ cồn hoặc chất ma túy thì cần thực hiện tạm đình chỉ ngay hoạt động kinh doanh vận tải của nhà xe, chủ xe.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần phối hợp với sở GTVT các tỉnh kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu phương tiện trong vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm. Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải xem xét trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (chủ xe) gây tai nạn...
Bộ GTVT cần chỉ đạo Tổng cục ĐBVN tăng cường giám sát thông tin qua thiết bị giám sát hành trình, kịp thời cung cấp dữ liệu cho các lực lượng của địa phương để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với xe vi phạm, đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt tập trung vào các quy định bảo đảm ATGT.
“Bộ GTVT cần nghiên cứu, bổ sung quy định điều kiện hành nghề đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải”, chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ.
Vụ TNGT trên QL5 ngày 04/8, xe container đè bẹp chiếc ô tô con đang dừng đèn đỏ khiến 3 người chết, 1 người trọng thương |
Nâng cao Trách nhiệm chính quyền địa phương
Điểm đặc biệt trong chỉ đạo của Thủ tướng là các địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng của tỉnh.
“UBND tỉnh phải lưu ý không xem xét các hình thức thi đua, khen thưởng nhà nước năm 2020 đối với các tập thể, cá nhân có liên quan khi để xảy ra các vi phạm nêu trên”, chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn, tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Các địa phương cần tiếp tục rà soát, phát hiện và xử lý triệt để các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên mạng lưới các tuyến đường do địa phương quản lý, đặc biệt là những tuyến đường đèo dốc; sẵn sàng đảm bảo giao thông, xử lý khắc phục sự cố sạt lở, hư hỏng do mưa lũ gây ra; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ trọng điểm có lưu lượng phương tiện giao thông lớn.
Mặt khác, Bộ GTVT cũng phải rà soát, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ, hướng dẫn lái xe an toàn...; huy động mọi nguồn lực để xử lý triệt để các “điểm đen” về TNGT trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là các đoạn đường đèo dốc, xử lý ngay sự cố sạt lở, hư hỏng đường do mưa lũ gây ra; huy động mọi nguồn lực triển khai phương án khẩn cấp để lắp đặt dải phân cách giữa các tuyến đường có nguy cơ cao về xung đột giao thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.