Những tháng đầu năm 2019 ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT, nhất là TNGT đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí. Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, quý I hàng năm luôn là thời điểm có tình hình TTATGT diễn biến phức tạp nhất và đây là lần đầu tiên trong 7 năm qua, TNGT trong quý I giảm mạnh nhất với cả 3 tiêu chí đều từ 11% trở lên.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 4 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 5.453 vụ TNGT, làm chết 2.570 người, bị thương 4.179 người; so với 4 tháng đầu năm 2018 giảm 567 vụ (-9,42%), giảm 218 người (-7,82%), giảm 457 người bị thương (-9,86%). Trong 5 ngày dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, cả nước xảy ra 137 vụ TNGT, làm chết 96 người, bị thương 96 người (chủ yếu là tai nạn đường bộ). Theo đó, bình quân số người chết trong 5 ngày dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm 2019 là 19,2 người/ngày, giảm nhẹ so với bình quân số người chết/ngày trong kỳ nghỉ lễ năm 2018 là 19,75 người chết/ngày.
Tuy nhiên, dù TNGT trong 4 tháng đầu năm được kéo giảm khá mạnh nhưng tính riêng trong tháng 4, TNGT bắt đầu có dấu hiệu gia tăng cả 3 tiêu chí khi xảy ra 1.423 vụ, làm chết 665 người và bị thương 1.038 người; so với tháng 4/2018 tăng 77 vụ (5,72%), tăng 26 người chết (4,07%), tăng 29 người bị thương (2,87%). Cùng với đó, TNGT vẫn diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến vi phạm nồng độ cồn.
Bên cạnh việc biểu dương nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt và kéo giảm mạnh TNGT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ 4 vấn đề là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm TTATGT. Đầu tiên là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT còn hạn chế, đặc biệt là công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và trong các đô thị.
Về quản lý kinh doanh vận tải, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, tình trạng buông lỏng quản lý về ATGT trong kinh doanh vận tải, khoán trắng cho lái xe, tạo áp lực doanh thu và thời gian chuyến xe... của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải chưa khắc phục được bao nhiêu.
“Sau các vụ TNGT, đối tượng bị xử lý hình sự mới chỉ là lái xe, chưa thấy cơ quan chức năng báo cáo về xử lý trách nhiệm hình sự đối với chủ xe, chủ doanh nghiệp có xe gây TNGT, kể cả vụ TNGT do lái xe sử dụng ma túy làm 8 người chết ở Hải Dương mới chỉ thấy xử lý về mặt hành chính, đình chỉ kinh doanh có thời hạn”, Phó Thủ tướng nêu thực trạng.
Cũng theo Phó Thủ tướng, phương tiện giao thông hiện gia tăng nhanh chóng, trong khi những giải pháp hạn chế sử dụng xe cơ giới cá nhân và khuyến khích phát triển vận tải công cộng triển khai rất chậm, đặc biệt là tiến độ các dự án vận tải công cộng khối lượng lớn; một số đề xuất hạn chế sử dụng xe cơ giới cá nhân còn thiếu tính thuyết phục.
Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin mà cụ thể là việc lắp đặt và kết nối hệ thống camera giám sát phục vụ xử lý vi phạm, xây dựng và chia sẻ dữ liệu về TTATGT đã triển khai nhưng còn khá manh mún, thiếu tính đồng bộ, tiến độ chậm.
Thời gian tới đây, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai Nghị quyết 12 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT và chống UTGT giai đoạn 2019 - 2021; đồng thời quyết liệt triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và những giải pháp để tiếp tục duy trì đà kéo giảm TNGT và khắc phục UTGT trong quý II cũng như trong các giai đoạn tiếp theo.
“Tôi đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm của đơn vị, của cá nhân để chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn những giải pháp đã được nêu rõ. Tôi yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương căn cứ tình hình thực tế của từng địa bàn để đề ra giải pháp thiết thực nhằm giảm TNGT, phấn đấu đến cuối năm chúng ta có thể đạt được mục tiêu giảm từ 5 đến 10% cả 3 tiêu chí đã đề ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.