Tuyên ngôn độc lập là bản tuyên ngôn bất hủ, có sức sống trường tồn. Tư tưởng chủ đạo của Tuyên ngôn độc lập vẫn đang soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình củng cố, giữ gìn độc lập, tự do, hạnh phúc. Cũng từ đây, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tinh thần nổi bật nhất của Tuyên ngôn là “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể dân tộc ta trịnh trọng tuyến bố trong bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. Tuyên ngôn nhấn mạnh: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới”. Tuyên ngôn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập”.
Hơn 70 năm qua, nhân dân ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để xây dựng, phát triển đất nước, từng bước cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Cũng trong suốt thời gian ấy, nhân dân ta đã phải hy sinh biết bao xương máu, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Từ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, người dân Việt Nam bắt đầu một cuộc sống mới. Phấn khởi và tự hào, tất cả mọi công dân Việt Nam bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh, không tiếc của cải và cả xương máu của mình, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. 71 năm qua là cả một quá trình phấn đấu, hy sinh không gì so sánh nổi của cả dân tộc để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam từng bước phát triển không ngừng.
Đất nước trên con đường hội nhập và phát triển |
Đất nước ta hôm nay đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế. Kỷ niệm 71 năm Quốc khánh 2-9, mỗi người Việt Nam dù đang ở bất kỳ nơi đâu, ngay trên đất mẹ hoặc ở xa Tổ quốc cũng không khỏi xúc động, bồi hồi nhớ lại khí thế hào hùng, sôi sục và náo nức của những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên giọng ấm áp đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày nay, chúng ta đang kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường của dân tộc, những bài học giữ nước của cha ông, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu tối thượng, nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc do cha ông để lại, trao truyền cho muôn đời con cháu mai sau.
Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ thường xuyên, không được phép lơ là, nhưng cũng là cuộc đấu tranh lâu dài, kiên trì, bền bỉ với những khó khăn, thử thách to lớn. Đất nước ta sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện; thế và lực của đất nước được nâng lên; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và chế độ XHCN; vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được nâng cao. Những thành tựu đó tạo ra tiền đề thuận lợi cho sự phát triển đất nước.
Đứng trước tình hình đó đòi hỏi mỗi chúng ta phải phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, phát huy cao độ nội lực có ý nghĩa quyết định, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực, tự cường, quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta cần được phát huy cao độ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, làm cho non sông Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.