Bê tông sinh học có tính năng tự liền và tăng độ bền. Ảnh: IB Times |
Nhóm chuyên gia vi sinh vật học tại Đại học Công nghệ Delft (TU Delft) đưa vi khuẩn lắng đọng canxit vào hỗn hợp bê tông để tạo đặc tính tự liền trong điều kiện thích hợp. "Chất tự liền" của bê tông sinh học sẽ kích hoạt khi nước thấm vào các vết nứt trên bề mặt. Phản ứng giữa nước và vi khuẩn bacillus hình thành một lớp đá vôi và đóng các vết nứt.
"Bê tông là vật liệu xây dựng được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, nhưng nó vẫn có một thiếu sót lớn đó là dễ dàng bị nứt khi chịu sức ép lớn", IB Times dẫn mô tả của các nhà khoa học TU Delft về nghiên cứu. Nếu các vết nứt lớn dần, chúng sẽ gây hiện tượng ăn mòn cốt thép, không chỉ ảnh hưởng đến mặt thẩm mĩ mà còn gây nguy hiểm cho tính cơ học của các công trình. Đây là lý do vì sao kỹ sư thường dùng số lượng cốt thép trong cấu trúc bê tông nhiều hơn so với mức cần thiết, để ngăn vết nứt lớn hơn.
Về lý thuyết, việc sử dụng vi khuẩn trong các hỗn hợp bê tông có thể giúp tiết kiệm chi phí và tăng độ bền của cấu trúc bê tông. Theo người đứng đầu nhóm chuyên gia Henk Jonkers, bê tông sinh học sẽ là vật liệu lý tưởng khi xây dựng các bể chứa chất thải nguy hiểm.
Các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu các điều kiện thích hợp để vi khuẩn tạo ra canxit càng nhiều càng tốt, đồng thời tối ưu hóa việc cung cấp thức ăn cho chúng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.