Nút giao hầm chui Thanh Xuân nhìn từ trên cao |
Hà Nội là thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm giao lưu quốc tế và cũng là đầu mối giao thông lớn, quan trọng. Từ đây, qua mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa đều kết nối với các tỉnh, thành phố và các trung tâm hành chính, kinh tế của nước ta. Những năm gần đây, chính quyền thành phố đã quan tâm phát triển mạng lưới xe buýt nội đô cả về tuyến và số lượng phương tiện, đưa vào khai thác tuyến vận chuyển khách du lịch bằng ô tô điện trong khu vực phố cổ và triển khai xây dựng một số dự án đường sắt đô thị. Đó là bước khởi đầu tốt đẹp, làm tiền đề cho một hệ thống giao thông đô thị bền vững về môi trường.
Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã cụ thể hóa chủ trương phát triển phương tiện giao thông thân thiện với môi trường Thủ đô Hà Nội, trong đó tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, nâng tỷ lệ đảm nhận của vận tải khách công cộng tại thời điểm năm 2020 lên khoảng 35% - 45% của tổng nhu cầu đi lại trên toàn Thành phố; phấn đấu giảm tỷ lệ đảm nhận của xe máy xuống còn 30%; quản lý chặt chẽ chất lượng của các loại phương tiện giao thông cơ giới, khuyến khích phát triển các loại phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, ít gây ô nhiễm.
Vừa qua, ngành Đường sắt đã có những đổi mới đột phá trong việc giảm thiểu phát thải ra môi trường. Tính đến ngày 30/6/2015, toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam đã chấm dứt xả thải chất thải sinh hoạt, các toa xe khách đã được lắp thiết bị vệ sinh tự hoại, chất thải đã được thu gom xử lý đạt yêu cầu bảo vệ môi trường. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chủ động phối hợp với Liên danh Petech - Chodai - Kisojiban lắp đặt thành công thiết bị này. Đây là minh chứng điển hình cho việc ứng dụng sản phẩm tiên tiến của công nghiệp môi trường trong hoạt động GTVT. Qua thành công của ngành Đường sắt có thể tiến tới áp dụng cho tàu thủy trên các tuyến đường thủy nội địa, ô tô buýt đường dài…, qua đó sẽ cải thiện đáng kể mức độ phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Nhu cầu có một hệ thống GTVT văn minh, thuận tiện, an toàn với chi phí thấp nhất luôn là mong muốn của các quốc gia.Để đạt được điều này cần tính đến các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả năng lượng trong GTVT còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế, tập quán, thói quen của người tham gia giao thông. Một tập quán đi bộ trong cộng đồng dân cư cũng có ý nghĩa quan trọng, vừa cải thiện mật độ giao thông, vừa tiết kiệm nhiên liệu và không gây ô nhiễm môi trường. Để có được tập quán đó thì việc phát triển hệ thống vận tải công cộng, quy hoạch điểm đỗ, hoàn thiện mạng lưới đường đô thị, đường nội bộ tạo thuận lợi cho người đi bộ có vai trò quyết định. Chúng ta mong muốn ngày càng có nhiều những “con đường xanh”, an toàn, sạch đẹp; những tuyến phố văn minh, thanh bình trong các đô thị thì càng cần có sự nỗ lực vượt bậc, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
5 tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội đã và sẽ được khẩn trương triển khai, đó là các tuyến: Nhổn - ga Hà Nội; Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh; Nội Bài - Trung tâm thành phố - Thượng Đình; Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh; Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc. Việc đưa các tuyến đường sắt vào hoạt động sẽ đáp ứng sự trông đợi hàng ngày của nhân dân và Thủ đô của chúng ta sẽ lại có thêm một loại hình phương tiện giao thông công cộng hiện đại, tiện nghi, an toàn, thân thiện với môi trường.
Hệ thống GTVT của chúng ta đang được củng cố, hoàn thiện, phát triển, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, GTVT của Thủ đô ngàn năm văn hiến với mục tiêu phát triển bền vững sẽ có những bước tiến vượt bậc nhằm hướng tới một hệ thống giao thông đô thị văn minh, hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Để thực hiện được mục tiêu đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân ủng hộ, cùng tham gia thực hiện vì môi trường sạch, đẹp của Thủ đô Hà Nội, các đô thị và vì môi trường xanh của Tổ quốc Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.