Phát triển vận tải liên hợp ở cảng Rotterdam

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 06/10/2018 06:22

Nhắc đến Hà Lan, người ta thường nghĩ đến một cường quốc về vận tải thủy với trung tâm logistics Rotterdam. Một trong những yếu tố làm nên sự thành công của ngành vận tải thủy Hà Lan chính là sự kết hợp hài hòa giữa vận tải biển với các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đặc biệt là đường sông.

 

Cang Rotterdam
Cảng Rotterdam

Kết hợp hài hòa các phương thức vận tải

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Chính phủ Hà Lan đã mạnh tay đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, với tham vọng biến Rotterdam trở thành trung tâm phân phối hàng hóa châu Âu. Cảng Rotterdam hoạt động theo cơ chế “Lanlord Port”, theo đó Chính phủ sẽ cung cấp toàn bộ cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng cảng cho tư nhân khai thác, miễn là đem lại hiệu quả cao nhất cho quốc gia. Các công ty tư nhân khai thác cảng có trách nhiệm sử dụng, quản lý lao động, xây dựng quy trình công nghệ, kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và quốc tế, đảm bảo nguồn hàng cung cấp liên tục. Hoạt động tại cảng Rotterdam đạt hiệu quả cao phụ thuộc rất lớn vào sự kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông. Sở hữu hệ thống đường bộ hàng đầu châu Âu và tuyến đường sắt chuyên dụng cho tàu chở hàng Betuwe route, hàng hóa từ Rotterdam có thể đi tới mọi trung tâm kinh tế lớn ở Tây Âu một cách nhanh chóng.

Nằm trên trục đường thủy chính nối với với Đức bằng sông Rhine, kết nối với các vùng miền của Hà Lan và Bỉ bằng các con kênh lớn, Rotterdam không chỉ là cảng biển lớn nhất châu Âu mà còn là cảng trung chuyển hàng hóa quan trọng của các tuyến vận tải đường thủy nội địa, các tuyến vận tải pha sông biển.

Nhằm chuyển đổi từ vận tải đường bộ sang vận tải liên hợp bằng đường sắt và đường thủy nội địa, Chính phủ Hà Lan đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ kết nối tuyến đường thủy nội địa, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu của các công ty vận tải, cụ thể là ba kế hoạch: Quy chế Chính sách trợ cấp tạm thời cho kế hoạch phát triển các tuyến đường thủy nội địa (sử dụng vào mục đích riêng) năm 1996; Kế hoạch Trợ cấp kết nối đường thủy nội địa sử dụng vào mục đích riêng năm 2000; Kế hoạch Trợ cấp cho các cảng nội địa sử dụng vào mục đích công cộng năm 2000. Đối với các tuyến đường thủy phục vụ cho mục đích sử dụng riêng, đơn vị nhận trợ cấp phải đảm bảo giao thông trong 5 năm, cam kết sẽ trung chuyển tối thiểu một số lượng hàng hóa nhất định trên tuyến đường thủy đang được trợ cấp và phải báo cáo số lượng hàng hóa đã trung chuyển hàng năm.

Đối với các tuyến đường thủy phục vụ mục đích sử dụng công cộng, đơn vị được tài trợ 50% chi phí xây dựng và trang thiết bị để xây dựng cảng mới hoặc mở rộng các cảng hiện có. Nhờ những chính sách trợ cấp tài chính hiệu quả của Chính phủ, Hà Lan nhanh chóng trở thành quốc gia có nền vận tải thủy nội địa phát triển bậc nhất châu Âu.

Phát triển đội tàu pha sông biển

Đi kèm với sự phát triển của vận tải liên hợp hàng hải - thủy nội địa đó là sự phát triển của những loại tàu pha sông biển (SB). Theo báo cáo của Ecorys - một công ty nghiên cứu kinh tế ở châu Âu, tàu SB bắt đầu được phát triển vào đầu những năm 1950 và đến nay đã có nhiều chủng loại. Do phải hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa có lưu lượng giao thông lớn, tàu SB cần phải có hệ thống lái, động cơ đẩy và thiết kế phù hợp với vùng nước hẹp và nông như: Đáy bằng, đuôi hình ống, chân vịt đôi tốt, bánh lái hiệu quả cao, lái bằng mũi tàu và tải trọng cao ở những vùng mớn nước nông… Đặc biệt, tàu chỉ hoạt động dưới sự chỉ đạo và điều khiển của một người để hạn chế tình trạng phản ứng chậm và sai lệch khi truyền đạt mệnh lệnh.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), vào những năm đầu thập niên 90, các đội tàu vận tải thủy nội địa ở Hà Lan diễn ra tình trạng thừa năng suất trầm trọng, hàng hóa cần chở thì ít mà số lượng tàu lại quá nhiều. Đây cũng là tình trạng chung của ngành vận tải thủy châu Âu. Nhằm giảm bớt số lượng tàu, Chính phủ Hà Lan đã tiên phong tiến hành nhiều biện pháp khuyến khích thay thế tàu công suất nhỏ bằng tàu có công suất lớn, cụ thể là chương trình hỗ trợ tài chính để “Phá hủy tàu” và “Đổi cũ lấy mới”. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế và các chính sách khuyến khích tài chính hấp dẫn đã góp phần kích thích đầu tư, tạo nên làn sóng đóng mới, nâng cấp đội tàu. Đến cuối năm 2006, Hà Lan là nước duy nhất trên thế giới áp dụng các ưu đãi thuế để điều tiết các đội tàu quốc gia. Theo thống kê của Ủy ban Vận tải Trung ương sông Rhine, từ năm 2000 - 2008, tổng số lượng tàu hàng khô và tàu dầu thuộc đội tàu vận tải thủy nội địa của Hà Lan đã giảm xuống 18%, trong khi tổng công suất vận chuyển của đội tàu Hà Lan tăng 4%, qua đó cho thấy số lượng tàu công suất nhỏ giảm, công suất vận chuyển của tàu có trọng tải lớn tăng mạnh.

Với những chính sách phát triển cảng biển, cảng thủy nội địa và đội tàu hiệu quả, Hà Lan đã thực hiện thành công cuộc cách mạng container hóa, trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về dịch vụ logistics

Ý kiến của bạn

Bình luận