Phát triển xe buýt điện ở đô thị Việt Nam: Cơ hội, thách thức và khả năng áp dụng

Diễn đàn khoa học 24/11/2022 16:29

Qua nghiên cứu của tác giả sẽ giúp hệ thống hóa cơ sở lý luận, thực tiễn về xe buýt điện hoạt động ở các nước và phân tích thực trạng thí điểm của xe buýt điện ở Việt Nam, đồng thời đề xuất phương án triển khai áp dụng và giải pháp phát triển xe buýt điện ở đô thị Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Phát triển xe buýt điện ở đô thị Việt Nam: Cơ hội, thách thức và khả năng áp dụng - Ảnh 1.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu theo chiều hướng ảnh hưởng xấu đến môi trường hiện nay, phát triển xe buýt điện được coi là giải pháp mang tính chiến lược, đảm bảo tận dụng tối đa các giải pháp công nghệ và định hướng phát triển vận tải xanh (Green Transportation).

Thực tế cho thấy, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tại các đô thị ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá thấp, khoảng 14,5 - 15% đối với Hà Nội (2020), 10 - 10,5% đối với TP. Hồ Chí Minh (2020) và chủ yếu do các loại xe chạy bằng động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu). Trong xu thế đổi mới hệ thống vận tải theo hướng bền vững và hiện đại, nhiều thành phố trên thế giới đã triển khai mạnh mẽ các hệ thống VTHKCC bằng phương tiện chạy điện để giảm phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường.

Tại các thành phố lớn ở Việt Nam, việc đưa vào khai thác loại hình xe E-Bus cũng còn khá hạn chế, mới chỉ đưa vào theo dự án chạy thử nghiệm. Về phát triển VTHKCC bằng E-Bus, Tập đoàn VinGroup đã triển khai song song E-Bus chạy cùng với xe buýt truyền thống trên một số tuyến tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Phú Quốc. Về sử dụng xe phương tiện chạy điện để chở người, một số địa phương có du lịch phát triển cũng đã đưa vào sử dụng xe ô tô chạy điện để phục vụ nhu cầu đi lại của khách du lịch trong nội bộ các khu vực điểm du lịch, mà chưa phát triển thành hệ thống VTHKCC khối lượng lớn của thành phố.

Lợi ích của E-bus so với xe chạy xăng hoặc dầu diesel đã khá rõ, hầu như không gây ô nhiễm về tiếng ồn, giảm lượng khí thải, giảm chi phí nhiên liệu, có thể tận dụng tốt hạ tầng giao thông hiện có, tạo cảm giác thoải mái cho hành khách với mẫu mã xe sang trọng, êm thuận, nâng cao từng bước văn hóa giao thông, văn minh đô thị. Do đó, nghiên cứu cơ hội, thách thức và đề ra các giải pháp mở rộng, phát triển E-Bus tại các đô thị ở Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội nói chung và VTHKCC tại các đô thị nói riêng.

Mời độc giả xem nội dung đầy đủ bài khoa học tại đây.