Phố sách Hà Nội điểm nhấn văn hóa Thủ đô

Tác giả: Dương Thùy

saosaosaosaosao
Xã hội 26/12/2018 15:22

Ở chốn đô thị phồn hoa lại có một địa điểm khiến bạn thấy bình yên đến lạ. Đó là phố sách Hà Nội - nơi chứa đựng đầy tri thức và là quần thể văn hóa - lịch sử đầy ý nghĩa.

 

unnamed
 

Chốn bình yên

Hà Nội những ngày cuối năm, mọi thứ tất thảy đều trở nên nhộn nhịp, đến cả bước chân cũng bỗng thấy vội vã hơn. Cuộc sống ồn ào và náo nhiệt ấy cứ cuốn ta đi, con người bận rộn với những công việc mưu sinh, với những mối quan hệ trong cuộc sống, để rồi đến một lúc vô tình lạc lõng giữa không gian Hà Nội và lúc đó ta mới bắt đầu đi tìm kiếm sự bình yên.Lang thang trên phố trong một buổi sáng thứ bẩy, tôi chợt dừng chân tại một con đường chưa từng đặt chân, ngỡ ngàng bắt gặp một nơi chứa đầy cả sự yên bình khác thường: Con phố sách - đường 19/12.

Tôi bị thu hút bởi hàng loạt gian hàng với kiến trúc khá đơn giản nhưng bắt mắt khiến người ta không thể bỏ qua. Đây là những gian hàng của nhiều nhà sách và nhà xuất bản có tên tuổi như Kim Đồng, Nhã Nam, Thái Hà book… Nhìn chung, không gian phố sách được thiết kế và được xây dựng hài hòa với cảnh quan, kiến trúc ở xung quanh nơi đây. Phố sách 19/12 tuy chỉ dài gần 200m nhưng nơi đây có không gian rộng rãi, thoáng mát với những hàng cây xanh mướt và hàng ghế gỗ tinh tế.

Ở chính giữa con phố là một quảng trường nhỏ - địa điểm tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm và giới thiệu các loại sách. Hai đầu con phố đều có đặt biểu tượng của phố sách cũng như lắp đặt hai trạm tra cứu thông tin điện tử công cộng và sách điện tử để giúp cho độc giả và du khách tìm hiểu được kỹ lưỡng về lịch sử, văn hóa, du lịch của Hà Nội.Người ta thường chê Hà Nội tấp nập, vội vã và đầy bon chen, chen nhau trên từng góc vỉa hè, từng lối đi, chen nhau trong cả dòng người hối hả. Ấy vậy mà trên con phố nhỏ này có một sự bình yên hiện hữu, không vội vã. Nhâm nhi một tách trà nóng, đọc một cuốn sách yêu thích trong không gian hiện đại mà yên tĩnh nơi đây, người ta mới thấy cuộc sống mình chậm lại giữa chốn đô thị phồn hoa. Có lẽ rằng giữa dòng đời xô bồ, đôi lúc con người ta cũng cần một chút thời gian để sống chậm, nhìn lại những gì đã qua, giúp cho tâm hồn thanh thản.

Tuyến phố lịch sử

Phố sách bình yên, gần gũi với các bạn trẻ đến vậy nhưng khi được hỏi về lịch sử con phố, chẳng mấy ai trong số họ có chút ký ức về chợ Âm Phủ, khu mộ chôn tập thể đã từng tồn tại ở đây. Theo lời kể của những người dân quanh khu phố này, để có phố sách ngày hôm nay, tuyến phố 19/12 đã phải trải qua nhiều thăng trầm lịch sử.

Theo đó, trước đây vào thời Pháp, phố có tên Simoni - tên một viên quan Pháp giữ chức Thống sứ Bắc Kỳ (1909 - 1912). Sau Cách mạng tháng 8/1945, phố đổi tên thành Lê Chân.Ngày 19/12/1946, hàng nghìn chiến sỹ tự vệ và đồng bào Thủ đô đã anh dũng hy sinh và được đưa về đây chôn cất sơ sài. Từ năm 1954, khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô, nơi đây được đặt tên là Mồ Liệt sĩ - nơi mà nhân dân đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), với ý nghĩa nhắc nhở những người còn sống về quá khứ hào hùng của dân tộc. Đến năm 1981, chính quyền thành phố đã cho khai quật và chuyển hài cốt lên nghĩa trang Bất Bạt (Sơn Tây), phố cũ được khôi phục và được đặt tên là phố 19/12 để kỷ niệm sự kiện Ngày Toàn quốc kháng chiến, có treo biển ở hai đầu phố Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng.

Nhiều năm sau, người dân kéo về đây họp chợ, đến năm 1985 Thành phố chính thức lập chợ tạm với tên gọi chợ 19/12. Tuy nhiên với lịch sử trước đó, người ta vẫn quen gọi là chợ Âm Phủ. Sau đó, chợ Âm Phủ bị thu hồi và lên kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê với tổ hợp công trình gồm hai khối cao ốc trên diện tích đất nơi đây. Kế hoạch này bị người dân, các nhà sử học phản đối kịch liệt và nhiều lần gửi thư ngỏ tới lãnh đạo Thành phố bày tỏ quan điểm không đồng tình với quyết định này. Cùng với sự vào cuộc của báo chí trong một khoảng thời gian dài, lãnh đạo Thành phố quyết định đầu tư nơi đây thành phố đi bộ, có vườn hoa, một bức phù điêu hay tấm bia ghi lịch sử đường phố và ngày nay là phố sách.

Là một trong những nhà sử học từng phản đối kịch liệt dự án xây trung tâm thương mại tại con phố này, trong ngày khai trương phố sách, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Việc Hà Nội có một phố sách là điều dĩ nhiên. Mặc dù đã có một vài phố sách tự phát nhưng phố sách Hà Nội đi vào hoạt động sẽ tạo ra một không gian cần thiết để tôn vinh văn hóa đọc. Đặc biệt, việc đặt phố sách ở phố “19 tháng 12” - nơi chôn cất đồng bào Thủ đô hy sinh trong Ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 lại càng ý nghĩa, thể hiện sự tiếp nối và sức sống của Hà Nội”.

Có thể thấy, phố sách Hà Nội sẽ không chỉ dừng lại là một địa điểm trao đổi, mua bán sách mà còn trở thành một không gian văn hóa hội tụ đầy đủ những tinh hoa của người Việt, thông qua các hoạt động tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc được hội tụ, hun đúc trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, đồng thời cũng là một quần thể văn hóa - lịch sử ý nghĩa tưởng niệm nhân dân và các liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ Thủ đô năm 1946.

 

“Đúng vào ngày 01/5/2017, TP. Hà Nội đã tổ chức Lễ Khai trương Phố sách Hà Nội, hoạt động cố định tại phố 19 - 12 (quận Hoàn Kiếm). Hà Nội 36 phố phường của chúng ta sẽ có thêm một tuyến phố dành riêng cho sách. Đây là công trình mang ý nghĩa đặc trưng của Thủ đô, là sự kết hợp giá trị lịch sử của khu vực phố 19 - 12 với một không gian văn hóa - tri thức giữa lòng thành phố để giới thiệu những cuốn sách, những bộ sách mới, nơi tác giả và độc giả gặp gỡ giao lưu, tọa đàm về sách...Việc tổ chức Phố sách Hà Nội đã đáp ứng mong mỏi của đông đảo nhân dân Thủ đô, những người viết sách và những người làm công tác xuất bản, để Ngày Sách Việt Nam 21/4 thực sự có ý nghĩa trong đời sống xã hội”.

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

e.

Ý kiến của bạn

Bình luận