Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Phạm Hải |
5 năm tới, tình hình thế giới sẽ diễn biến phức tạp
Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh vấn đề trên trong tham luận “Đưa quá trình hội nhập quốc tế vào chiều sâu, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam” tại phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XII của Đảng sáng 23/1.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ thành tựu đối ngoại 5 năm qua, khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong 5 năm tới, tình hình thế giới thay đổi nhanh, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, các thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt. Quá trình toàn cầu hóa và những tiến bộ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ tác động sâu rộng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới. Xu hướng liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng đa tầng nấc gia tăng; xuất hiện các hình thức liên kết mới, các định chế tài chính-tiền tệ, các hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư song phương và đa phương thế hệ mới. Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, đồng thời cũng là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc. Tranh chấp trên Biển Đông diễn biến gay gắt, phức tạp.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần kiên trì các giải pháp ngoại giao, thông qua song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, kiên trì và kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông, đồng thời vẫn duy trì đoàn kết trong ASEAN, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.
VN cần tranh thủ được công luận quốc tế lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Hội nhập có chiều sâu để bảo vệ lợi ích quốc gia
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong 5 năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do vậy, đưa hội nhập đi vào chiều sâu tức là phải tận dụng các cam kết quốc tế để mở rộng thị trường, tái phân bổ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp Việt Nam; gia tăng mức độ tự chủ của nền kinh tế, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất, cung ứng ở khu vực và toàn cầu; tăng cường khả năng ứng phó của nền kinh tế trước những tác động từ bên ngoài; đóng góp ngày càng nhiều cho quá trình phát triển nội lực và liên kết vùng trong cả nước.
Đưa hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu cũng có nghĩa là phải tận dụng được chính hệ thống quy tắc và luật lệ của các tổ chức quốc tế để bảo vệ được các lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong quan hệ với đối tác nước ngoài.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đưa ra 4 vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.
Thứ nhất, thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại được Đại hội XII của Đảng thông qua, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương.
Thứ hai, trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định cho đất nước, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, theo đó cần tăng cường công tác phổ biến các cam kết quốc tế ta đã ký kết, đã nội luật hóa và các quy định trong quá trình triển khai; làm cho mỗi tổ chức, mỗi người dân hiểu rõ thách thức, cơ hội mà họ có được từ hội nhập quốc tế để tham gia một cách chủ động và tích cực; biến quá trình hội nhập từ các hoạt động chủ yếu do các cơ quan Nhà nước tiến hành thành quá trình tham gia chủ động và tích cực của từng địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Thứ tư, triển khai các định hướng lớn về hội nhập được nêu trong Văn kiện Đại hội, tập trung thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến 2020, tầm nhìn 2030 và các đề án, kế hoạch triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; khẩn trương hoàn thiện, nâng cao năng lực các thể chế hội nhập; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hội nhập; phấn đấu đến 2020, mức độ hội nhập trên các lĩnh vực của nước ta ở mức độ cao của các nước ASEAN.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.