Sáng 20/11, tại tỉnh Hậu Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi kiểm tra công tác tổ chức thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) cho biết, đến nay tuyến chính cao tốc đã bàn giao 100% mặt bằng trên tuyến chính. Riêng tuyến nối vào TP. Cần Thơ còn vướng khoảng 200 m, dự kiến trong tháng 12/2024 địa phương sẽ hoàn thành việc di dời.
Về tình hình triển khai thi công, giá trị sản lượng tại dự án đạt khoảng 50%. Hiện nay, mục tiêu của dự án là hoàn thành công tác đắp cát gia tải và 117 cầu trên tuyến chính. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu vẫn chưa huy động đủ cát về công trường như đã cam kết.
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, hiện dự án đang trong giai đoạn “chạy nước rút” cho công tác đắp cát gia tải nền đường. Tuy nhiên, trữ lượng khai thác cát tại các mỏ cát sông gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp đã dừng khai thác 2 mỏ, tỉnh An Giang đã tạm dừng khai thác 7/9 mỏ do đã khai thác hết công suất năm 2024 hoặc quá độ sâu thiết kế và có nguy cơ sạt lở bờ sông. Do đó, công suất huy động cát sông thực tế trong 2 tuần gần đây chỉ đạt khoảng 26.000 m3/ngày.
Hiện Ban QLDA Mỹ Thuận đang tích cực làm việc với tỉnh An Giang để sớm đưa 2 mỏ khai thác trở lại, còn lại 5 mỏ nguy cơ không thể khai thác được. Bên cạnh đó, thủ tục cấp phép khai thác các mỏ cát tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long chậm hơn so với dự kiến, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được khai thác. Trong khi đó, nguồn cung cấp phối đá dăm khu vực tỉnh Đồng Nai và Bình Dương bị hạn chế do rơi vào cao điểm cuối năm, nhà thầu phải phụ thuộc vào thời gian chờ và công suất của từng mỏ.
Đối với khai thác cát biển, Công ty VNCN E&C chưa lường hết các khó khăn trong việc khai thác, cung ứng cát biển nên không thể khai thác và cấp cho các nhà thầu theo kế hoạch.
Đối với dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho biết, tính đến nay tỉnh đã bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, do tình hình khan hiếm về nguồn vật liệu cát nên đơn vị cũng đã chỉ đạo nhà thầu tập trung hoàn thành các cầu và các vị trí nút giao trên tuyến.
Đối với nhu cầu cát đắp, tại dự án thành phần 3 chiếm khoảng 6 triệu m3 và được cấp mỏ cát ở tỉnh An Giang, với trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3. Tỉnh cũng đã chủ động điều phối và chia sẻ cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 500.000 m3. Đơn vị cũng đã mở rộng việc tìm kiếm các mỏ tại Bến Tre, Tiền Giang. Riêng tỉnh Bến Tre đã có cam kết cung cấp khoảng 3,4 triệu m3 cho dự án.
Về sản lượng thi công, đến nay dự án thành phần 3 hiện thực hiện đạt khoảng 26% giá trị hợp đồng, dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ đạt khoảng 36% như cam kết theo kế hoạch.
Tại buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã động viên và tặng quà cho các kỹ sư, công nhân, người lao động đang thi công trên công trường.
Qua báo cáo của các đơn vị, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc địa phương, chủ đầu tư đã và đang dồn sức triển khai thi công cũng như tháo gỡ những khó khăn cho các công trình trọng điểm quốc gia. Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ, các nhà thầu phải tập trung thi công, huy động tối đa mọi nguồn lực trên công trường.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, những phần việc khó khăn phát sinh cần phải có sự chung tay giải quyết của cả hệ thống chính trị, trong đó cần ưu tiên vật liệu cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, bằng mọi giá phải đưa công trình này về đích vào năm 2025.
"Đối với nguồn vật liệu san lấp thì cát biển là giải pháp lâu dài. Hiện nay, công suất khai thác cát biển ở tỉnh Sóc Trăng đang chậm tiến độ khoảng 50%, vì chỉ khai thác được 15 ngày/tháng. Do đó, cần tập trung nghiên cứu tìm cách khai thác liên tục, tạo dây chuyền để nâng cao công suất tối đa. Vấn đề này cần phải có sự tính toán, huy động việc sử dụng các máy móc, thiết bị, công nghệ phù hợp với tình hình thực tế, thời tiết tại khu vực", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.