Sân bay Đồng Hới |
Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT về đề nghị điều chỉnh quy hoạch CHK Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế của UBND tỉnh Quảng Bình mới đây, Cục Hàng không VN cho biết, hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xây dựng tiêu chí để chuyển CHK quốc nội thành CHK quốc tế nhằm đảm bảo tính linh hoạt và tính mở của quy hoạch.
Theo đó, CHK quốc tế phải đặt tại trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch quốc gia; có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng, địa phương; Có nhu cầu khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ, ổn định; Xây dựng được đường bay và phương thức bay, xác định được vùng trời phục vụ khai thác các chuyến bay quốc tế; Thiết lập được đầy đủ cơ sở để thực hiện thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh, y tế công cộng...
Qua đánh giá, tư vấn xác định CHK Đồng Hới là CHK quốc nội trong hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Hồ sơ quy hoạch đã xác định CHK Đồng Hới được phép khai thác chuyến bay quốc tế theo quy định tại Điều 80 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Khi tần suất các chuyến bay quốc tế tại CHK Đồng Hới tăng dẫn đến nhu cầu khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ (trung bình khoảng 3 - 5 chuyến/tuần), Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển CHK Đồng Hới thành CHK quốc tế, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ.
Trong công văn gửi Bộ GTVT trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, sân bay Đồng Hới được thành lập vào tháng 4/2008, phục vụ máy bay Airbus A320, A321 trở xuống, đáp ứng 2 chuyến bay tại cùng một thời điểm.
Hiện nay sân bay Đồng Hới có 5 hãng hàng không trong nước khai thác 3 đường bay nội địa: Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - TP.HCM và Đồng Hới - Hải Phòng và 1 đường bay quốc tế thường lệ Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan).
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, hiện TCT Cảng hàng không VN đang chuẩn bị khởi công xây dựng dự án mở rộng sân đỗ, xây dựng nhà ga hành khách để nâng công suất phục vụ hành khách của sân bay Đồng Hới từ 500.000 hành khách/năm lên 3 triệu hành khách/năm.
"Để tạo điều kiện giúp cho tỉnh Quảng Bình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch trong thời gian tới, một lần nữa UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh nội dung quy hoạch CHK Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế tại quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", văn bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký gửi Bộ GTVT nêu rõ.
Được biết, theo dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời kỳ 2021-2030 cả nước có 28 sân bay bao gồm: 14 sân bay quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 sân bay quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).
Giai đoạn này duy trì vị trí quy hoạch sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 để thay thế cho sân bay quốc tế Cát Bi giai đoạn sau năm 2030.
Nghiên cứu, khảo sát và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng sân bay tại các đảo như Lý Sơn, Phú Quý, quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tầm nhìn đến năm 2050 cả nước hình thành 29 sân bay (bổ sung sân bay Cao Bằng) gồm: 14 sân bay quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 15 sân bay quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo).
Hình thành sân bay thứ 2 hỗ trợ cho sân bay Nội Bài về phía đông nam Hà Nội và một số sân bay tại các đảo, quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và có điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.