Sẽ thi công dự án xuyên Tết
Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trên công trường, ông Đinh Công Minh - Giám đốc Ban QLDA 7 (chủ đầu tư) cho biết, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài khoảng 100,8km đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận. Thuận lợi lớn nhất là từ khi bắt đầu triển khai, công tác GPMB dự án đã đạt hơn 90%.
"Hiện nay, nhiều nhà thầu đã nỗ lực thực hiện dự án, huy động mọi thiết bị và nhân công chờ trời nắng sẽ thi công đồng loạt", ông Minh nói.
Sau khi nắm được sơ bộ tình hình triển khai dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tiếp tục thị sát các gói thầu đang thi công tại dự án. Đến 20 giờ tối cùng ngày, tại khu vực nút giao cầu vượt ở thị trấn Ma Lâm thuộc gói thầu XL04, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã dừng lại động viên các công nhân đang thi công ban đêm trên công trường.
Tại đây, Tư lệnh ngành GTVT đã ân cần hỏi han các công nhân về tình hình sức khoẻ, quê quán. Sau khi nghe các công nhân chia sẻ người đến từ Hà Tĩnh, Hà Nội,… tham gia vào dự án ngay từ đầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng động viên: "Cố gắng lên nhé, tinh thần của chúng ta là sẽ thi công xuyên Tết để khánh thành dự án trong đầu năm tới rồi các anh em về nghỉ bù”.
Để hiện thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu lãnh đạo các nhà thầu phải tập trung tối đa nhân lực, máy móc, tài chính thi công xuyên đêm để đảm bảo tiến độ. "Ưu tiên tiến độ nhưng chất lượng công trình phải đảm bảo, các yêu cầu về kỹ thuật phải luôn đặt lên hàng đầu. Các nhà thầu thi công trên toàn dự án cần tiếp tục tập trung, tăng tốc đảm bảo thông tuyến chính vào cuối năm nay", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Tiếp tục hành trình kiểm tra dự án, sau khi nghe các nhà thầu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói: “Hôm nay chúng ta chốt mốc thời gian hoàn thành, đưa dự án vào sử dụng là ngày 30/4/2023".
"Hôm nay, Ban QLDA và các nhà thầu phải báo cáo nguyên nhân như thế nào dẫn đến dự án này bị chậm tiến độ, các khó khăn vướng mắc nào đã giải quyết và những gì còn đang tồn tại. Theo kế hoạch dự kiến đến 31/12/2022 dự án này sẽ thông tuyến. Bây giờ dự án còn tồn tại những gì? Đề nghị Ban QLDA nêu rõ những lý do vướng mắc để các nhà thầu nhìn nhận và lãnh đạo tỉnh Bình Thuận ở đây nắm được nhằm kịp thời xử lý những vướng mắc tại địa phương, làm sao để đến 30/4/2023, dự án khánh thành đưa vào khai thác sử dụng?, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Thông tin thêm với Tư lệnh ngành GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, theo hợp đồng, thời gian thi công các gói thầu dự án là 24 tháng, bình quân sản lượng thi công mỗi tháng là 4,1% thế nhưng hiện nay các nhà thầu đang huy động máy móc gấp đôi và sản lượng hơn 10% mỗi tháng để bù tiến độ. "Hiện nay, dự án không có đường lùi, chắc chắn tuyến chính phải hoàn thành trước 31/12/2022", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.
"Từ thời điểm Bộ GTVT phát động phong trào 100 ngày đêm thi công để thông tuyến vào cuối năm. Đến nay, thời gian đã được 66 ngày nhưng có đến nửa thời gian trên là thời tiết mưa kéo dài. Trong khi đó, giai đoạn cuối chủ yếu là thảm bê tông nhựa, ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ dự án. Quan điểm của chúng ta là dù tăng tốc tiến độ nhưng phải luôn đảm bảo yêu cầu về chất lượng", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chia sẻ thêm, thực tế nếu mưa 1 ngày thì phải đến 3 ngày sau trời nắng mới có thể thi công được.
Chia sẻ về quá trình thi công tại dự án, về phía nhà thầu, ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc Vinaconex cho biết, từ cuối tháng 8/2022 khi Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy trực tiếp phụ trách dự án, rất nhiều các khó khăn, vướng mắc của nhà thầu đã được lãnh đạo Bộ GTVT giải quyết.
"Nhiều lần lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra xuyên đêm, động viên các công nhân tại công trường và không khí thi công ngày càng “nóng”. Các nhà thầu nhận thấy sự quyết liệt đó và đã dồn mọi lực lượng để thi công", ông Tới chia sẻ.
Ông Lương Minh Tường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Lộc (nhà thầu gói thầu XL03) cũng cho rằng, các nhà thầu thi công tại dự án gặp khó khăn rất lớn về nguồn vật liệu đất đắp và thời tiết bất lợi kéo dài. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT, các nhà thầu đều duy trì nhịp độ thi công trên công trường với tiến độ cao nhất. "Với đà này, chúng tôi sẽ quyết tâm thông tuyến vào cuối năm nay", ông Tường nhấn mạnh.
"Trong nhóm giá vật liệu đất đắp mặt đường lúc lập dự toán là 170.000 đồng/m3. Nhưng đến nay chúng tôi phải mua hơn 300.000 đồng/m3", ông Tường nói và chia sẻ thêm, thời tiết trong khu vực mưa liên tục, các nhà thầu không thể thi công vì ảnh hưởng đến chất lượng của dự án. Tuy nhiên, từ thời điểm này, các nhà thầu đã thực sự dồn mọi nguồn lực và hoàn thành dự án bằng quyết tâm cao nhất.
Chia sẻ những khó khăn với các nhà thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sắp tới, Bộ GTVT triển khai 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Các nhà thầu muốn tham gia giai đoạn 2 thì trước hết phải làm thật tốt, làm nhanh ở các dự án giai đoạn 1 đang triển khai. "Đối với những kiến nghị về đơn giá định mức của các nhà thầu, sắp tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo để đơn giá định mức sát với thực tiễn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.