Kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm
Chủ trương vừa được lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam và các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển đô thị loại I thuộc tỉnh Quảng Nam, cùng các địa phương liên quan thống nhất vào chiều 15/8.
Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, với phương án sáp nhập Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh thành một đơn vị hành chính mới sẽ đảm bảo tính chất đô thị động lực của vùng, đảm bảo quy mô diện tích, tiêu chí về dân số và có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển một không gian đô thị chiến lược trong tương lai cho Quảng Nam.
Theo Đề án Xây dựng và phát triển đô thị loại I dựa trên quy hoạch, sắp xếp 3 đơn vị hành chính: Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành theo Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy, thì tổng diện tích của vùng đô thị mới là 904km2, dân số quy đổi gần 450.000 người.
Với quy mô đó, cùng các điều kiện tự nhiên, bề dày văn hóa lịch sử, tiềm năng thế mạnh về vị trí, tiềm lực kinh tế, an ninh quốc phòng…cùng với Khu Kinh tế mở Chu Lai, đến nay đã trở thành khu kinh tế ven biển đa ngành, đa lĩnh vực; là đầu mối giao thương quan trọng, cửa ngõ logistic thông qua cụm hạ tầng chiến lược sân bay, cảng biển; đã dần trở thành khu công nghiệp ô tô và phụ trợ ngành ô tô, hàng không; khí điện và hoá dầu; dệt may và phụ trợ…không chỉ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế Quảng Nam mà còn là hạt nhân, động lực cho cả vùng.
Hơn nữa, Đồ án Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 đang được lập, đã đặt ra kỳ vọng để phát triển Quảng Nam trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung- Tây Nguyên.
Mặt khác, với yếu tố lịch sử, văn hoá và kinh tế - xã hội của 3 địa phương đều thuộc phủ Tam Kỳ xưa, thì có thể khẳng định, tuỳ theo yêu cầu của thực tiễn, Tam Kỳ đã từng nhiều lần sáp nhập, chia tách địa giới hành chính cho phù hợp, 3 địa phương Phú Ninh, Núi Thành và Tam Kỳ có nguồn gốc từ một đơn vị hành chính.
Theo ông Phú, nếu xét riêng về tiêu chí đô thị loại I, phân tích cơ học ở thời điểm hiện tại, sau khi sáp nhập 3 địa phương thì một số tiêu chí sẽ giảm và chưa đạt tiêu chí đô thị loại 1, như: mật độ dân số toàn đô thị khá thấp 524 người/km2 (yêu cầu tối thiểu 2.000 người/km2); tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị là 67% (yêu cầu tối thiểu 85%), một số tiêu chí về trình độ phát triển hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị (nhà ở, công trình công cộng, giao thông- tỷ lệ mật độ đường rộng 7,5m trở lên trong khu nội thị, cấp nước, thoát nước...) sẽ giảm so với Tam Kỳ hiện tại.
"Song nếu tập trung bằng nhiều giải pháp tích cực, cùng với huy động mạnh mẽ các nguồn lực thì Tam Kỳ đạt các tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2030 là khả thi. Phương án này có tính toàn diện và dễ tạo sự đồng thuận", ông Phú nhìn nhận.
Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng
Thống nhất chủ trương sáp nhập để tập trung xây dựng, phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo TP. Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, Núi Thành cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa của việc sấp nhập 3 đơn vị hành chính này; trong quá trình xây dựng đề án sáp nhập phải có tính định hướng về quy hoạch cơ sở hạ tầng, giao thông, cũng như các vấn đề trọng tâm khác; chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực…
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, việc sáp nhập hoàn toàn có cơ sở khoa học, phù hợp về văn hóa vùng miền và để thực hiện chủ trương, ông Thanh yêu cầu Sở Nội vụ và Sở Xây dựng chủ trì đề xuất các nhiệm vụ liên quan trong xây dựng đề án sáp nhập cũng như xây dựng, phát triển đô thị loại I. Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho 3 đơn vị này trên lộ trình sáp nhập.
Cùng với quan điểm trên, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, việc sáp nhập này nhằm tập trung nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển đô thị loại I của tỉnh Quảng Nam. Thông qua việc sáp nhập này sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân, thu hút đầu tư, thúc đẩy và hình thành các đô thị vệ tinh.
Đối với cơ chế đầu tư, ông Cường cho hay, vẫn tiếp tục đầu tư hạ tầng cho 3 đơn vị hành chính nhưng phải có tính quy mô, tương thích với tiêu chí của đô thị loại I. Song song đó tạm dừng việc đầu tư xây dựng trụ sở cấp huyện; đối với trụ sở cấp xã tiếp tục đầu tư…Phấn đấu đến quý II-2023 trình Quốc hội xem xét thông qua đề án sáp nhập Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh và đến năm 2024 tiến hành sáp nhập.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.