Phương tiện thủy căng thẳng lưu thông qua gầm cầu
Những ngày đầu tháng 4/2023, PV Tạp chí GTVT có mặt tại cầu Lai Vu (sông Lai Vu, nằm trên tuyến Quốc lộ 5, xã Lai Vu, huyện Kim Thành, Hải Dương) chứng kiến cảnh không ít đoàn sà lan, tàu chở hàng có kích thước lớn vất vả mỗi khi lưu thông qua gầm cầu đường bộ Lai Vu.
Mỗi khi có đoàn sà lan, tàu hàng chuẩn bị lưu thông qua cầu, thuyền viên người thì cầm sào tre cắm lên mũi tàu, cầm gậy để đo khoảng không chiều cao, chiều rộng của khoang thông thuyền, người khác trèo lên nóc ca bin, đứng hai bên mạn phương tiện để báo cho người cầm lái… Khoang thông thuyền chỉ đủ để phương tiện lưu thông một chiều, song có lúc hai phương tiện đều tiến đến sát gầm cầu mới phát hiện ra nhau.
Quan sát gầm cầu cho thấy, khoang thông thuyền khá hẹp, thấp, lại có nhiều trụ cầu ở dưới nước. Gầm cầu dài khoảng hơn chục mét, không có đèn chiếu sáng, trong khi không có lực lượng chốt trực hướng dẫn, điều tiết phương tiện thủy qua lại.
"Gần đây trên tuyến này có nhiều đoàn sa lan, tàu to chạy qua, nhất là các phương tiện chở than từ Quảng Ninh về Nhà máy nhiệt điện ở Thái Bình. Gầm cầu thấp, hẹp, sông này nước lên xuống theo thủy triều, giờ hầu hết các đoàn sà lan đều dài, tàu chở hàng vài trăm tấn, thậm chí 1.000 – 2.000 tấn đi qua nên khi lưu thông qua rất vất vả. Năm trước thấy có người, phương tiện thủy chốt trực hướng dẫn tàu thuyền lưu thông qua 24/24h, nhưng không rõ vì sao đến nay không có", một nhân viên bốc dỡ hàng tại bến thủy gần đó cho biết.
Một nhân viên khác chia sẻ, cách đây vài năm, gần khu vực cầu Lai Vu có một tàu thủy du lịch neo đậu để chờ lưu thông qua cầu bị đắm, may không thiêt hại về người.
Đề cập việc không có người hướng dẫn cho phương tiện thủy qua cầu, ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 7 cho biết, những năm trước tại đây có chốt trực điều tiết, hướng dẫn phương tiện qua lại, song từ năm 2023 không được Cục Đường thủy nội địa VN bố trí tiếp do không đạt tiêu chí về số lượt phương tiện qua lại trong mỗi ngày đêm.
Cầu Lai Vu có chiều rộng của khoang thông thuyền chỉ 29m, chiều cao tĩnh không 3,5m nên luồng chạy tàu hẹp thấp hơn tiêu chuẩn quy định và nguy hiểm cho phương tiện thủy loại có kích thước lớn, trọng tải lớn lưu thông.
Những năm trước, cùng với sông Đào Hạ Lý, kênh Quần Liệu, cầu Lai Vu được bố trí chốt điều tiết, hướng dẫn phương tiện thủy lưu thông. Tuy nhiên, năm 2023, cầu Lai Vu không được bố trí tiếp vì số lượng phương tiện thủy không đủ 150 lượt qua lại/ngày đêm. Bởi theo quy định tại Thông tư số 42/2021 của Bộ GTVT, có hiệu lực từ 1/3/2022, căn cứ số lượt phương tiện để bố trí điều tiết giao thông", ông Kiên cho biết.
Theo đơn vị trên, sông Lai Vu có chiều dài 26km, là tuyến đường thủy quốc gia kết nối với sông Kinh Môn và sông Gùa thuộc hệ thống sông Thái Bình. Tuy số lượt phương tiện thủy không nhiều, song khối lượng vận tải tăng và tính chất phức tạp về giao thông không giảm do gần đây có những những đoàn sà lan có trọng tải 2.000-3.000 tấn lưu thông, chở than cho nhà máy nhiệt điện Thái Bình.
"Cách đây vài tháng có Đoàn kiểm tra của Bộ GTVT, trong đó có Vụ quản lý hạ tầng, Cục Đường thủy nội địa VN đến kiểm tra hiện trường nhưng sau đó không biết khu vực này có được tổ chức chốt điều tiết bảo đảm giao thông thủy như mọi năm hay không", ông Kiên thông tin.
Trước thực tế trên, dù không còn được Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức điều tiết, với trách nhiệm quản lý bảo trì hạ tầng đường thủy tuyến sông Lai Vu, đơn vị vẫn phải chủ động bố trí báo hiệu, lực lượng thi công công trình chủ động cung cấp thông tin qua điện thoại, thông báo tình hình mực nước, kích thước thực tế của khoang thông thuyền để chủ phương tiện nắm bắt thực tế.
Cũng theo Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 7, do quy định trên nên năm nay khu vực Ngã ba Kèo (ngã ba sông Kinh Môn – kinh Thầy), nơi vốn phức tạp do hệ thống kè tại đảo đất khu vực vực ngã ba bị sụp đổ, trở thành chướng ngại vật ngầm dưới sông và có cảng thủy chuyên dùng của Nhà máy nhiệt điện Hải Dương (TX.Kinh Môn) đưa vào hoạt động cách đây vài năm, với nhiều phương tiện lớn neo đậu, lưu thông, cũng không được tổ chức thanh thải chướng ngại vật hay tổ chức điều tiết, hướng dẫn giao thông.
Cần xem xét, điều chỉnh quy định
Tìm hiểu thêm cho thấy, năm 2023 này, tại khu vực phía Nam có nhiều cầu vượt sông, kênh tiếp tục được bố trí điều tiết, hướng dẫn phương tiện thủy để đảm bảo ATGT đường thủy; song khu vực miền Bắc, một số cầu có tính chất phức tạp không còn đủ điều kiện về lượt phương tiện theo quy định tại Thông tư số 42/2021 nên dừng bố trí điều tiết (như cầu Đa Phúc trên sông Công, cầu đường sắt Bắc Giang trên sông Thương…).
Theo đại diện một số đơn vị đảm bảo giao thông thủy, quy định về số lượt 150 phương tiện mà không đề cập đến yếu tố tính chất phương tiện (phương tiện kích thước to hơn, mật độ lớn trong thời gian nhất định) khá bất cập, khiến nguy cơ tai nạn đâm va tại các cầu phức tạp về giao thông gia tăng.
Bởi dù lưu lượng phương tiện không tăng nhưng sản lượng vận tải tăng và tính chất phức tạp giao thông thủy không thay đổi, thậm chí có nguy cơ cao hơn xảy ra tai nạn đường thủy.
"Phương tiện thủy chở hàng lưu thông trên tuyến chuyển từ loại kích thước nhỏ sang kích thước lớn hơn, trọng tải nhiều hơn, trong khi sự hạn chế về chiều rộng, chiều cao tĩnh không không thay đổi. Nguy cơ xảy ra đâm va cao trong tình huống hai phương tiện lớn cùng lưu thông qua cầu, thủy triều dâng khiến tĩnh không cầu bị thu hẹp song phương tiện thủy không được cập nhật, hướng dẫn qua lại an toàn", Chủ tịch HĐQT một đơn vị quản lý bảo trì đường thủy phân tích.
Ông Bùi Hồng Minh, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 4 cũng cho biết, những tình huống xảy ra trên sông nước thường bất ngờ, khó lường, nhất là trong mùa mưa bão. Nếu khu vực cầu này được tổ chức điều tiết sẽ tăng khả năng bảo đảm an toàn cho phương tiện thủy, công trình cầu.
"Có đợt trong mùa mưa bão có, có bụi tre bị sạt lở, trôi từ thượng nguồn xuống và mắc kẹt tại trụ cầu đường sắt Bắc Giang. Do cầu không được tổ chức điều tiết, chống va trôi trong mùa lũ nên không thể xử lý việc này, song các đơn vị quản lý cầu đường sắt, một số tàu thuyền liên tục gọi đến cho chúng tôi xử lý… Nếu được tổ chức điều tiết, chống va trôi, những tình huống như trên sẽ được xử lý kịp thời hơn", ông Minh chia sẻ.
Liên quan vấn đề trên, ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hiện việc tổ chức điều tiết tại các khu vực cầu, công trình vượt sông có tiêu chí là đạt 150 lượt phương tiện/ngày lưu thông qua, nên dẫn đến có những vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn, đâm va nhưng chưa thể tổ chức điều tiết giao thông.
"Trong quá trình soạn thảo dự thảo Thông tư số 42/2021 của Bộ GTVT "quy định về công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi và hạn chế giao thông đường thủy nội địa" cũng có các ý kiến khác nhau về nội dung trên.
Đây cũng là vấn đề thực tế phát sinh, căn cứ tình hình thực tế, Cục Đường thủy nội địa VN sẽ xem xét, đánh giá để có thể đề xuất sửa quy định để công tác bảo đảm ATGT phù hợp hơn với thực tế, góp phần bảo đảm ATGT đường thủy", ông Đạo nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.