Nhất cử đa lợi thí điểm Cảng vụ đường thủy quản lý luồng tuyến

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Đường thuỷ 10/03/2023 09:28

Lần đầu tiên, Bộ GTVT thí điểm giao các Cảng vụ đường thủy quản lý luồng tuyến đường thủy quốc gia, song song với quản lý cảng, bến thủy.

Vì sao thí điểm Cảng vụ đường thủy quản lý luồng tuyến? - Ảnh 1.

Theo mô hình đang được thí điểm, Cảng vụ đường thủy trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN quản lý cảng, bến và luồng tuyến đường thủy quốc gia

Cảng vụ quản lý cảng, bến và luồng tuyến

Những ngày tuần đầu tháng 3/2023, lực lượng cảng vụ của Cảng vụ Đường thủy nội (ĐTNĐ) Việt Nam khu vực II đi kiểm tra hiện trạng hạ tầng luồng tuyến (phao, báo hiệu, kè…) đường thủy dọc theo 120km sông Hồng, đối chiếu với hồ sơ để tiếp nhận quản lý tài sản hạ tầng và việc bảo trì thường xuyên của đơn vị bảo trì.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, triển khai quyết định của Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ Việt Nam về thí điểm giao Cảng vụ quản lý luồng tuyến, từ tháng 2/2023 đơn vị bắt đầu tiếp nhận bàn giao hồ sơ hạ tầng từ Chi cục ĐTNĐ khu vực I và thực hiện công tác quản lý luồng tuyến.

Theo đó, đơn vị được thí điểm giao quản lý 120km luồng đường thủy quốc gia sông Hồng và 20km sông Đuống, với các nội dung quản lý: tài sản kết cấu hạ tầng; bảo trì thường xuyên công trình đường thủy; hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy; giải quyết các vị trí nguy hiểm trên đường thủy; phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan liên quan trong công tác bảo vệ hạ tầng đường thủy…

"Những năm qua Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II chuyên thực hiện công tác quản lý nhà nước về cảng, bến thủy và đây là lần đầu tiên được giao thí điểm quản lý luồng, tuyến. Cơ cấu tổ chức của Cảng vụ ĐTNĐ khu vực gồm cơ quan cảng vụ, bên dưới ở là Đại diện cảng vụ và dọc các tuyến có các Tổ cảng vụ nên thuận lợi cho việc quản lý luồng, tuyến và thực hiện các nhiệm vụ được giao thí điểm. Từ khi triển khai thực hiện các công việc thí điểm đến nay chưa gặp phát sinh khó khăn, vướng mắc", ông Cường cho biết.

Tương tự, thời gian này 3 Cảng vụ khu vực (I,III và IV) trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN cũng đang triển khai tiếp thí điểm tiếp nhận quản lý luồng đường thủy nội địa quốc gia từ Chi cục ĐTNĐ khu vực I, III để thí điểm trong thời gian từ 1/1-31/12/2023.

Cụ thể, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I tiếp nhận quản lý hơn 253km luồng trên 9 tuyến sông phía Bắc (sông Hàn – Cấm, Phi Liệt – Đá Bạch, Thái Bình, Văn Úc…), Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III quản lý 131 km luồng sông Vàm Cỏ Đông, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV quản lý hơn 190km luồng trên 7 tuyến sông, kênh phía Nam (sông Cổ Chiên, kênh Trà Vinh, Măng Thít…).

Với việc thí điểm trên, cơ quan cảng vụ đường thủy đồng thời quản lý cảng, bến thủy (hoạt động của bến, cấp phép phương tiện thủy vào, rời cảng) và quản lý luồng tuyến thuộc phạm vi đang quản lý cảng, bến.

Vì sao thí điểm Cảng vụ đường thủy quản lý luồng tuyến? - Ảnh 2.

Mỗi khu vực giao thông thủy chỉ có một đầu mối quản lý hạ tầng và cảng, bến sẽ nâng hiệu quả quản lý, giúp giảm chi phí xã hội

Thu gọn tối đa đầu mối quản lý, giảm chi phí

Tìm hiểu cho thấy, toàn quốc hiện có hơn 7.000km luồng đường thủy quốc gia được Cục ĐTNĐ Việt Nam tổ chức quản lý, khai thác vận tải. Trong đó, hai đơn vị trực thuộc Cục là Chi cục ĐTNĐ khu vực I (phía Bắc) và Chi cục khu vực III (phía Nam) trực tiếp quản lý hạ tầng luồng tuyến khu vực phía Bắc, phía Nam; còn một số luồng tuyến miền Trung và khu vực phía Bắc, Nam được ủy quyền cho các địa phương quản lý.

Trên các luồng tuyến do hai Chi cục đường thủy trên quản lý có hệ thống cảng, bến thủy do 4 Cảng vụ khu vực trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam quản. Điều này đồng nghĩa với việc trên một phạm vi hoạt động giao thông thủy có 2 đầu mối quản lý nhà nước: một nơi quản luồng tuyến, một nơi chuyên cảng, bến.

Và mô hình tổ chức phần nào khiến giảm hiệu quả quản lý, như việc phải xin ý kiến, thông báo hoặc tổ chức phối hợp với nhau khi giải quyết một số công việc (như về cải tạo, nâng cấp cảng bến, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về hạ tầng đường thủy; tổ chức hạn chế giao thông thủy…).

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, việc thí điểm trên nhằm tới mục tiêu thu gọn tối đa đầu mối quản lý nhà nước trên phạm vi một vùng nước đường thủy để nâng hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao thông đường thủy. Chẳng hạn như về kiểm tra, xử lý vi phạm, hiện các Chi cục ĐNĐT khu vực có lực lượng Thanh tra - an toàn đường thủy, trong khi Cảng vụ đường thủy cũng có chức năng, thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm về cảng, bến thủy và phương tiện trong phạm vi cảng, bến. 

"Khi thí điểm thành công sẽ hướng tới áp dụng đại trà trên toàn quốc, với mục tiêu đặt ra là trên mỗi luồng tuyến, khu vực có hoạt động giao thông thủy chỉ có một đầu mối đơn vị quản lý nhà nước về đường thủy quản lý về hạ tầng, bảo trì luồng tuyến, cảng, bến thủy và thanh kiểm tra, xử lý vi phạm. Hiệu quả nhìn thấy được là giảm đầu mối quản lý và giúp giảm được chi phí xã hội, khi doanh nghiệp, người dân chỉ cần làm thủ tục hành chính tại một đầu mối", ông Đạo cho biết.

Ông Nguyễn Long Thao, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 cho biết, đơn vị  thực hiện bảo trì thường xuyên tuyến sông Hồng và sông Đuống thuộc phạm vi thí điểm giao Cảng vụ quản lý hạ tầng luồng tuyến.

"Đơn vị đang tích cực phối hợp với Chi cục, Cảng vụ đường thủy được giao triển khai thí điểm và chưa thấy phát sinh khó khăn, vướng mắc nào. Các nội dung thí điểm, nội dung thực hiện các nhiệm vụ bảo trì đường thủy khá rõ ràng nên thuận lợi cho đơn vị bảo trì thường xuyên luồng tuyến đường thủy", ông Thao nói.