Quyết liệt phòng, chống và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 22/07/2016 05:00

Các giải pháp ngăn chặn hậu quả từ vấn nạn “uống rượu lái xe” sẽ được triển khai đồng bộ, thống nhất với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

DSC08197-01.
Ban Chỉ đạo Kế hoạch và đại diện các tổ chức chính trị, xã hội trong buổi Họp báo

Sáng 21/7, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Họp báo công bố “Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016”.

Đây là lần đầu tiên Ủy ban ATGT Quốc gia có kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề về một nhóm hành vi vi phạm pháp luật giao thông bằng cách huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định nồng độ cồn với thông điệp chính “Đã uống rượu bia – Không lái xe”.

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nay tại Việt Nam có tỷ lệ sử dụng rượu, bia ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. Có tới 70% số vụ TNGT có nguyên nhân từ việc người lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ủy ban ATGT Quốc gia đã tiến hành khảo sát 18.000 nạn nhân TNGT trong bệnh viện tại các tỉnh phía Bắc. Kết quả cho thấy, TNGT có liên quan đến rượu bia chiếm 36,9% (nam giới chiếm 36,2% và nữ giới là 0,7%). Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, TNGT đã gây thiệt hại 250 tỷ đồng/ngày và thiệt hại 2,9% GDP/năm tại Việt Nam; thiệt hại 1.500 tỷ USD/năm trên thế giới,

DSC08131-01.
Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia kỳ vọng, những giải pháp phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia sẽ được thực thi hiệu quả

“Hàng năm, Ngân sách Nhà nước và chi phí của nhân dân dành cho việc khắc phục hậu quả TNGT do lạm dụng rượu, bia và điều khiển phương tiện là một khoản tiền không nhỏ, thậm chí vượt xa kinh phí đóng góp từ ngành đồ uống có cồn. Vì vậy, Chính phủ xác định, tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện uống rượu, bia là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo TTATGT trong giai đoạn hiện nay” – ông Khuất Việt Hùng khẳng định.

Phó Chủ tịch Chuyên trách nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta phải hành động quyết liệt. Chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với nỗ lực của Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là quyết tâm của các bộ, ngành, các cấp chính quyền, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân và sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng, những giải pháp nhằm phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia sẽ được thực thi hiệu quả”.

csgt-do-nong-do-con-trong-mau-1
Hiện nay, khoảng 70% số vụ TNGT có liên quan đến việc người lái xe sử dụng rượu, bia

Tham dự buổi họp báo, bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu: “Lạm dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT tại Việt Nam. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng và từng bước hình thành thói quen thì cần có tiếng nói chung và ý chí thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông và dư luận toàn xã hội.

“Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cam kết tích cực phối hợp và hướng dẫn các đoàn thể cấp cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện” – Bà Ánh nhấn mạnh.

DSC08169-01.
Ra mắt Ban Chỉ đạo xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ do ông Khuất Việt Hùng trực tiếp làm Trưởng ban

Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016 sẽ được triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc với sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban ATGT các tỉnh, thành phố và sự hỗ trợ tích cực của các đối tác Quốc tế và mọi thành phần kinh tế trong xã hội.

Theo đó, Kế hoạch gồm 6 nội dung chính: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực thực thi pháp luật về nồng độ cồn; tuyên truyên, phổ biến và giáo dục pháp luật; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường vai trò cộng đồng và huy động kinh phí xã hội hóa; xây dựng các mô hình thí điểm.

Ý kiến của bạn

Bình luận