Ra mắt bản đồ theo dõi sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long

Xã hội 19/06/2018 08:23

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa giới thiệu bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm từng bước kiểm soát an toàn về phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài.

 

Ra mắt bản đồ theo dõi sạt lở ở đồng bằng sông Cửu
Bản đồ trực tuyến (WEBGIS) các điểm sạt lở tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ảnh chụp màn hình: Dương Liễu)

Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại vùng ĐBSCL đang ngày một gia tăng, diễn ra rất nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh việc kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng đang khiến diện tích bờ sông, bờ biển bị lấn chiếm. 

"Nếu chúng ta tiếp tục xây dựng nhà cửa, khai thác cát không hợp lý thì sạt lở sẽ ngày càng gia tăng", ông Thắng nói.

Trước tình trạng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương triển khai thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL làm cơ sở đề xuất giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài.

Theo đó, các bên đã xác định 562 điểm trên tổng số 786km sạt lở bờ sông, bờ biển. 

Theo tiêu chí phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển, trong số các vị trí sạt lở nêu trên có 55 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 507 điểm sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường, tổng chiều dài 613km.

Bản đồ sạt lở bờ sông, xói mòn bờ biển vùng ĐBSCL bao gồm hình ảnh vệ tinh, ảnh hiện trường, video, thông tin điểm sạt lở như chiều dài, độ sâu, tác động đến môi trường, con người... với những hình ảnh, thông tin cụ thể của từng khu vực, điểm sạt lở, qua đó sẽ giúp cảnh báo sớm đối với người dân, cũng như hỗ trợ công tác tuyên truyền. 

Các đơn vị, địa phương sẽ được tập huấn để tiếp tục tự cập nhật các điểm sạt lở mới, thông tin lên cơ sở dữ liệu nhằm từng bước kiểm soát an toàn về phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài. 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng khẳng định mỗi vùng phải có những giải pháp khác nhau do nền kinh tế phát triển khác nhau, địa hình dân cư khác nhau, và quan trọng là phải di dời dân cư chứ "không thể kè hết các điểm sạt lở trên tất cả 13 tỉnh ĐBSCL".

Ý kiến của bạn

Bình luận