Rà soát, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Đường bộ 17/01/2022 20:51

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT rà soát các quy định, thực hiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo đúng thẩm quyền.

 

1-Một-đoạn-đường-Hồ-Chí-Minh-qua-Tây-Nguyên-ngày-n
Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên

 Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, vừa qua, Bộ Tư pháp có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) để phục vụ công tác quyết toán dự án hoàn thành.

Xét kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các bộ liên quan; tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu và nội dung báo cáo về việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án; rà soát các quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để thực hiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo đúng thẩm quyền và quy định, bảo đảm nguyên tắc điều chỉnh đúng mục tiêu đầu tư, không trùng lặp chi phí, không làm thay đổi tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt; không được điều chỉnh các chi phí trái quy định pháp luật.

Được biết, dự án đường Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2004 (tại Nghị quyết số 38/2004/QH13) và được điều chỉnh vào năm 2013 (tại Nghị quyết số 66/2013/QH13).

Sau khi điều chỉnh, Dự án đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183 km, trong đó tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km.

Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, trong đó đến năm 2020 là hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pắc Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe; sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Theo báo cáo số 529 ngày 23/11/2021 của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020 – 2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, tính đến tháng 11/2021, đã hoàn thành đưa vào khai thác 2.362km/2.744km, đạt 86,1% và khoảng 258km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211km; còn lại khoảng 171km cần tiếp tục cân đối bố trí vốn để thực hiện.

Tổng nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng. Đến năm 2020, đã xác định nguồn là 88.400 tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách nhà nước là 66.330 tỷ đồng; vốn huy động hình thức BOT là 10.585 tỷ đồng; vốn huy động theo hình thức BT là 11.485 tỷ đồng; nguồn vốn của các dự án BOT, BT đã huy động là 18.588 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 – 2025 đã bố trí 11.791 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước. Nhu cầu vốn cần tiếp tục bố trí để đầu tư nối thông toàn tuyến theo quy mô tối thiểu 2 làn xe là khoảng 10.770 tỷ đồng cho 3 dự án thành phần (các đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn; đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến và đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận). 

Ý kiến của bạn

Bình luận