Rất phiền tiếng loa ở sân bay

Ý kiến phản biện 09/12/2019 18:03

Đi máy bay, hành khách sợ nhất là lỡ chuyến. Nhưng họ cũng sợ tiếng ồn huyên náo trong thời gian chờ làm thủ tục, chờ chuyến bay ở sân bay.

 

san-bay-khong-loa-tsn-7read-only-15757330197098140
Nhân viên phục vụ mặt đất hướng dẫn hành khách xem thông tin điện tử khi ngừng phát thanh tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: C.TRUNG

Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã "tắt loa" từ sáu tháng trước, bắt đầu từ ga quốc tế. Nửa năm qua, nhiều hành khách vẫn chưa quen và thông tin từ hãng hàng không đến hành khách nhiều khi vẫn chưa kịp thời. Các sân bay khác vẫn ồn.

"Sân bay im lặng" ai cũng cần

Dù đi máy bay nhiều nhưng tôi thường rơi vào trạng thái căng thẳng nhẹ trước mỗi chuyến bay. Nỗi lo kẹt xe tắc đường từ nhà đến sân bay, lo chuẩn bị hành lý sao cho không quá cân, lo quầy thủ tục quá đông, rồi lo cả việc chuyến bay bị hoãn, trễ giờ… Và nhất là sợ âm thanh chát chúa đập vào tai liên tục khi ở sân bay trong nước.

Từ chuyện hành khách ồn ào, oang oang như ở nhà mình, chuyện ai đó phải hét thật to thông tin nhắc cả nhóm người về các bước thủ tục và giờ giấc ở nhà ga, và to nhất vẫn là tiếng loa. Dù giọng phát thanh viên vẫn dịu dàng dễ nghe nhưng quả thật rất phiền với những thông tin phát liên tục trên loa của hàng chục chuyến bay khác nhau, từ nhiều hãng bay khác nhau mà tất cả hành khách buộc phải nghe…

Cảm giác này nhẹ nhõm hơn nhiều khi tôi đi công tác ở châu Âu. Không có tiếng ồn từ loa phát thanh ở nhà ga ít ra cũng giúp hành khách tập trung hơn khi mình tự tìm thông tin cần thiết cho chuyến bay của mình. Trải nghiệm rất khác so với những chuyến bay xuất phát từ Việt Nam. Trừ sân bay Tân Sơn Nhất, các sân bay khác vẫn duy trì phát thanh thông tin chuyến bay. Sân bay vẫn cứ ồn.

Thêm nữa, việc giảm tiếng ồn ở cường độ cao tạo nên bầu không khí thư giãn cho hành khách, đặc biệt là những hành khách quá cảnh, chỉ có một thời gian ngắn nghỉ ngơi trước khi lên chuyến bay dài kế tiếp. Cụm từ "silent airports" (tạm dịch: sân bay im lặng) ra đời từ đó và khởi đầu cho xu hướng hàng không hiện đại khi tính thoải mái của hành khách được xem là ưu tiên hàng đầu.

Khi không còn tiếng loa

Các hãng bay đã cập nhật thông tin chuyến bay trên các màn hình và bảng hướng dẫn tại nhà ga, tại các khu vực quầy thủ tục, khu vực kiểm tra an ninh và hành lý xách tay, phòng chờ, khu vực cách ly… nhưng vẫn còn hành khách ngơ ngác khi máy bay đã rời đi mà người còn ở lại. Rồi hành khách khiếu nại làm rộn cả một khu vực.

Người Việt lắm khi qua loa, ít khi chịu đọc kỹ thông tin hay quan sát những gì xảy ra xung quanh mình. Không ít người có thói quen thăm thú các gian hàng, mải mê chuyện trò và mặc định là sẽ có loa nhắc mình. Đó là những thói quen xấu, cần thay đổi để thích nghi với quy định mới.

Ở vài nước châu Á, bạn sẽ dễ nhận ra hình ảnh nhân viên mặt đất của một hãng bay nào đó vừa đi vừa cầm bảng hiệu chuyến bay vừa hô to thông tin lên tàu/tên hành khách khi không thể dùng loa phát thanh. Ở châu Âu, nếu bạn không lưu tâm, không để ý thì chỉ có mất tiền cho chuyến bay tiếp mà thôi. Hành khách hiện đại cần có trách nhiệm hơn với chuyến bay của mình, chủ động cập nhật thông tin trên các màn hình và các bảng thông báo, ra cửa khởi hành đúng giờ đã ghi trên thẻ lên máy bay.

Thực tế, nhiều màn hình thông báo thông tin các chuyến bay có kích thước nhỏ quá, khó nhìn thấy thông tin. Nhiều trường hợp thông tin không cập nhật kịp tình trạng của chuyến bay (các chuyến bay trễ liên tục), thông tin của bảng viết tay và bảng điện tử không đồng nhất. 

Có khi, theo vé, đã đến giờ ra cửa lên máy bay, hành khách đã lục tục xếp hàng mà trên màn hình vẫn còn hiển thị thông tin chuyến bay khác. Nhân viên của hãng không có mặt tại cửa để cập nhật tình hình hay trả lời những thắc mắc, lo lắng của hành khách.

Trường hợp đổi cửa lên máy bay vẫn cần thông báo bằng loa hoặc chọn cách văn minh hơn, hãng bay phải có tin nhắn gửi đến số điện thoại đã đăng ký khi mua vé. Cách này vừa không ảnh hưởng đến người khác, lại thể hiện sự tôn trọng dành cho khách hàng.

Ý kiến của bạn

Bình luận