Sắp có tiêu chuẩn kiểm định an toàn cảng, bến thủy nội địa

Tác giả: Hồng Xiêm

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 28/11/2023 06:01

Công tác kiểm định, đánh giá an toàn cảng, bến thủy nội địa có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác và cần dựa trên tiêu chuẩn để đánh giá.

Sắp có tiêu chuẩn kiểm định an toàn cảng, bến thủy nội địa- Ảnh 1.

Do chưa có tiêu chuẩn riêng nên từ trước đến nay việc kiểm định an toàn cảng, bến thủy hầu hết dựa trên tiêu chuẩn của kiểm định cầu, đường bộ

Sự cần thiết biên soạn, ban hành tiêu chuẩn

Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, công tác kiểm định, đánh giá an toàn cảng, bến thủy nội địa có vai trò quan trọng trong quá trình khai thác của cảng, bến, đảm bảo cảng, bến hoạt động an toàn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, khi thực hiện công tác kiểm định, đánh giá an toàn cảng, bến thủy nội địa đều thực hiện thông qua đề cương do đơn vị tư vấn kiểm định đề xuất dựa trên các tiêu chuẩn kiểm định cầu đường bộ (TCN 243:1998 về Quy trình kiểm định cầu trên đường ô tô – Yêu cầu kỹ thuật".

Theo đó, các đơn vị tư vấn đề xuất kiểm tra hiện trạng các kích thước hình học của công trình, đo chuyển vị kết cấu dầm, bản mặt cầu, cọc và đo đạc dao động của kết cấu cảng hoặc kết cấu trụ neo, trụ va. Thông thường, các kết quả kiểm định được so sánh với kết quả tính toán trên mô hình kết cấu để đưa ra các kết luận về độ an toàn của kết cấu cảng, bến thủy nội địa.

Trong khi đó, Nghị định số 06/2021/NĐ – CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng nêu rõ công việc đánh giá định kỳ về an toàn công trình xây dựng là hoạt động xem xét, đánh giá định kỳ khả nặng chịu lực và các điều kiện để công trình được khai thác, sử dụng an toàn.

Tại Điều 21 Nghị định số 08/2021/NĐ – CP cũng quy định về Kiểm định chất lượng cảng thủy nội địa. Cụ thể: Chủ cảng hoặc người quản lý khai thác cảng phải chịu trách nhiệm thực hiện kiểm định chất lượng công trình. Nội dung và quy trình thủ tục tiến hành kiểm định chất lượng công trình cảng thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Còn Cục Đường thủy nội địa VN, Sở GTVT tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định về kiểm định chất lượng cảng thủy nội địa của người quản lý khai thác thuộc phạm vi quản lý.

Từ yêu cầu thực tế và quy định pháp luật hiện hành, việc xây dựng "Tiêu chuẩn đánh giá an toàn công trình cảng - bến thủy nội địa" phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng cảng, bến thủy là cần thiết. Và hiện Cục Đường thủy nội địa VN đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng dự thảo "Tiêu chuẩn đánh giá an toàn công trình cảng - bến thủy nội địa" để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, ban hành. Tiêu chuẩn quốc gia này hướng tới các yêu cầu kỹ thuật về đánh giá an toàn đối với kết cấu của công trình cảng, bến thủy nội địa.

Sắp có tiêu chuẩn kiểm định an toàn cảng, bến thủy nội địa- Ảnh 2.

Tiêu chuẩn đánh giá an toàn công trình cảng, bến thủy nội địa khi được ban hành là căn cứ để đánh giá, kiểm định an toàn cảng, bến thủy trong khai thác, sử dụng

Đánh giá, phân loại cảng, bến theo 4 cấp

Dự thảo Tiêu chuẩn đánh giá an toàn công trình cảng - bến thủy nội địa đưa ra các nguyên tắc chung về đánh giá an toàn cảng, bến thủy nội địa. Đó là: mục đích, phạm vi và nội dung đánh giá an toàn kết cấu công trình cảng, bến thủy nội địa được xác định sau khi điều tra sơ bộ theo điều kiện và yêu cầu cụ thể của đối tượng cần đánh giá.

Việc điều tra sơ bộ trước khi đánh giá phải bao gồm các nội dung: Tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hồ sơ kỹ thuật của công trình; Khảo sát hiện trạng; đo đạc, kiểm tra và lập hiện trạng công trình. Tùy thuộc vào hiện trạng của công trình và các nhiệm vụ đặt ra khi kiểm tra, có thể có thêm các loại công việc thành: Kiểm tra chất lượng vật liệu bằng các phương pháp không phá hủy (bằng siêu âm, kiểm tra độ cứng, dùng phương pháp phát xạ âm); Lấy các mẫu vật liệu để tiến hành thí nghiệm trong phòng (khi phát hiện những sự không phù hợp của vật liệu được dùng so với các yêu cầu đặt ra); Nghiên cứu thực trạng dòng chảy khu vực cảng bến thủy nội địa; Tổ chức quan trắc lâu dài bằng máy móc; Kiểm tra lớp phủ mặt cầu cảng bến thủy nội địa; Những công việc khác có thể mời những đơn vị chuyên ngành tham gia.

Công việc đánh giá phải lập thành đề cương, với đề cương xây dựng theo yêu cầu và dựa vào kết quả điều tra, khảo sát sơ bộ, phương pháp thử nghiệm phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc gia hiện hành có liên quan.

Căn cứ các tiêu chuẩn chi tiết, cảng, bến thủy được đánh giá, xếp loại an toàn theo 4 cấp độ và tương ứng với mỗi cấp là yêu cầu xử lý kỹ thuật. Cụ thể, cấp A: Sự an toàn đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia liên quan và có đủ khả năng khai thác (tương ứng với không yêu cầu xử lý); cấp B: Độ an toàn thấp hơn một chút so với các tiêu chuẩn quốc gia liên quan, và nó không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng khai thác (cần tăng cường kiểm tra, thực hiện các biện pháp bảo trì khi thích hợp); cấp C: Không đáp ứng các yêu cầu an toàn của tiêu chuẩn quốc gia liên quan, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng khai thác (Sửa chữa, gia cố kịp thời, khôi phục đạt tiêu chuẩn mức A hoặc mức B tùy theo điều kiện và yêu cầu); cấp D: Độ an toàn không đáp ứng nghiêm trọng các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia liên quan, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng khai thác (sửa chữa và gia cố ngay lập tức, đồng thời khôi phục về tiêu chuẩn cấp B hoặc dỡ bỏ tùy theo điều kiện và yêu cầu).

Tương tự, tiêu chuẩn cũng phân loại cảng, bến thủy theo khả năng sử dụng của công trình,với 4 cấp và tương ứng là khả năng xử lý. Bao gồm các loại: Biến dạng và chuyển vị tổng thể của công trình nằm trong phạm vi cho phép của thiết kế (cấp A, không cần xử lý); Toàn bộ công trình hiện trạng tốt, biến dạng và chuyển vị hơi vượt quá phạm vi cho phép của thiết kế, nhưng không ảnh hưởng đến việc sử dụng bình thường (cấp B, nên tăng cường giám sát và có các biện pháp bảo trì thích hợp). Toàn bộ công trình bị hư hỏng rõ ràng, biến dạng và chuyển vị rõ ràng, vượt quá phạm vi cho phép của thiết kế, ảnh hưởng đến việc sử dụng bình thường (cấp C, sửa chữa, gia cố kịp thời, khôi phục để đạt tiêu chuẩn cấp A hoặc cấp B tùy theo điều kiện và yêu cầu), Tổng thể công trình hư hỏng nghiêm trọng, biến dạng, chuyển vị quá lớn ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn và công năng sử dụng chung (cấp D, sửa chữa và gia cố ngay lập tức, đồng thời khôi phục về tiêu chuẩn cấp B hoặc dỡ bỏ tùy theo điều kiện và yêu cầu).

Thêm tiêu chuẩn để đánh giá, phân loại an toàn công trình cảng, bến thủy nữa là: cấp phối và yêu cầu xử lý đánh giá độ bền kết cấu bê tông của các công trình cảng - bến, cũng chia thành 4 cấp độ như trên. Căn cứ kết quả đánh giá mức độ suy giảm của vật liệu của cảng, bến tính theo tuổi thọ thiết kế, công trình được kết luận với các mức: Không cần xử lý; Thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời; Tiến hành ngay các biện pháp sửa chữa, gia cố; Tùy theo điều kiện mà có biện pháp sửa chữa, gia cố hoặc loại bỏ.