Sắp tới mô hình quản lý đường thủy thay đổi ra sao?

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Sự kiện 09/06/2022 10:32

Theo đề xuất, cảng vụ đường thủy địa phương có thể quản lý cảng, bến thủy trên tuyến quốc gia được Bộ GTVT phân cấp cho địa phương quản lý.

 

Hoạt động quản lý bảo dưỡng phao tiêu, báo hiệu trên tuyến đường thủy quốc gia

Hoạt động quản lý bảo dưỡng phao tiêu, báo hiệu trên tuyến đường thủy quốc gia

Địa phương quản lý tuyến quốc gia

Đoạn tuyến đường thủy quốc gia sông Cầu Xe đoạn từ ngã ba Mía (giao với sông Thái Bình) đến âu Cầu Xe (Hải Dương) vừa được Bộ GTVT phân cấp cho địa phương quản lý. Tuy vậy, hơn 1 tháng sau khi Bộ GTVT có văn bản đề nghị chuyển giao, đến nay địa phương trên chưa tổ chức tiếp nhận.   

Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Bộ GTVT sẽ phân cấp cho 25 địa phương quản lý các tuyến đường thủy quốc gia, với 50 tuyến có tổng chiều dài hơn 1.140km. Đợt chuyển giao vừa qua có hơn 10 địa phương và hiện mới có vài địa phương tiếp nhận.

“Các địa phương chưa muốn tiếp nhận nêu lý do các tuyến trên đạt tiêu chí tuyến quốc gia, song phía sau đó còn do địa phương chưa tổ chức được bộ máy cảng vụ đường thủy, lực lượng chuyên môn quản lý hạ tầng đường thủy hoặc chưa chủ động được nguồn kinh phí”, ông Đạo lý giải về việc trên.

“Hằng năm kinh phí quản lý hệ thống bảo trì đường thủy quốc gia được bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, khi các tuyến quốc gia được chuyển về địa phương quản lý không đồng nghĩa với việc kinh phí được “chuyển thẳng” cho địa phương”, Phó cục trưởng Lê Minh Đạo giải thích thêm.

Và để giải quyết vấn đề trên, sắp tới, Bộ GTVT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn các tiêu chí, điều kiện cụ thể để phân cấp cho địa phương đủ điều kiện tiếp nhận quản lý đường thủy quốc gia trên địa bàn.

Theo dự thảo nghị định, cảng vụ đường thủy địa phương có thể quản lý cảng, bến trên tuyến đường thủy quốc gia

Theo dự thảo nghị định, cảng vụ đường thủy địa phương có thể quản lý cảng, bến trên tuyến đường thủy quốc gia

 

Có thể chuyển bộ máy cảng vụ về địa phương

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, nhằm phát huy vai trò của địa phương trong quản lý, phát triển GTVT đường thủy, Bộ GTVT cũng có chủ trương phân cấp cho địa phương quản lý cảng, bến thủy trên tuyến quốc gia.

Cụ thể, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2021 của Chính phủ (quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa), cảng vụ đường thủy địa phương (thuộc Sở GTVT) trực tiếp quản lý nhà nước tại các cảng, bến thủy (trừ bến khách ngang sông) trên tuyến đường thủy địa phương và cả tuyến quốc gia được Bộ GTVT phân cấp quản lý.

Ngược lại, trường hợp UBND cấp tỉnh đề nghị và được Bộ GTVT chấp thuận, Cảng vụ thuộc Cục Đường thủy nội địa VN quản lý cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy địa phương.

“Quy định mới giúp phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương, huy động nguồn lực của các địa phương, đa dạng hóa phương thức quản lý chuyên ngành tại cảng, bến thủy”, theo Cục Đường thủy nội địa VN.

Tìm hiểu cho thấy, hiện việc quản lý cảng, bến trên hệ thống đường thủy quốc gia do 4 Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực phía Bắc, Nam (trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN) đảm nhận (trừ các tuyến miền Trung hoặc một số tuyến phía Bắc được ủy quyền cho địa phương).

Với phương án phân cấp trên, tác động là có thể gây phát sinh bộ máy quản lý cảng, bến thủy tại địa phương và ảnh hưởng đến cơ cấu, hoạt động của 4 Cảng vụ đường thủy Trung ương.

Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, phương án giải quyết đối với trường hợp phân cấp quản lý cho địa phương là sẽ chuyển giao bộ máy, nhân sự từ các Cảng vụ đường thủy Trung ương về địa phương.

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, một số lãnh đạo Đại diện Cảng vụ đường thủy (trực thuộc Cảng vụ Đường thủy khu vực Trung ương) bày tỏ đồng thuận, cho biết cảng vụ hiện chủ yếu làm nhiệm vụ cấp phép, thu phí phương tiện vào, rời cảng bến trên tuyến đường thủy quốc gia tại địa phương. Trong khi đó, việc cấp phép bến thủy do Sở GTVT địa phương thực hiện, nếu chuyển về cùng một đầu mối địa phương sẽ giúp công tác chỉ đạo, phối hợp được tập trung và gọn nhẹ hơn.

Theo ông Vũ Cao Khải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 7 cho rằng, việc phân cấp nên theo hướng Trung ương tiếp tục quản lý các tuyến vận tải thủy chính để tạo sự thống nhất, cũng như phục vụ phát triển hạ tầng đường thủy theo quy hoạch.

“Việc quản lý cảng, bến trên tuyến quốc gia nên tạo sự đồng bộ, tập trung đầu mối quản lý từ cơ quan cấp phép, cảng vụ và thanh, kiểm tra, nhằm giảm sự đan xen quản lý. Bởi đơn cử hiện là việc cấp phép bến thủy trên đường thủy quốc gia do Sở GTVT thực hiện, Bộ GTVT cấp phép cảng thủy; cảng vụ trung ương cấp phép phương tiện vào, rời bến. Hoặc việc thanh, kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến cảng, bến thủy hiện vừa cả lực lượng thanh tra đường thủy trung ương và địa phương”, ông Khải nêu vấn đề.

Phát biểu cuộc tọa đàm về quản lý giao thông đường thủy do Báo Đại biểu nhân dân vừa tổ chức, ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc tổ chức quản lý cảng, bến hiện nay có một số hạn chế.

Chẳng hạn, tại tỉnh Đồng Tháp, cảng, bến thủy trên một số địa bàn cấp huyện do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III quản lý, một số địa bàn do Cảng vụ khu vực IV quản lý.

Điều này rất bất cập, bởi khi có những tình huống xấu xảy ra, nếu địa phương không tham gia trực tiếp quản lý thì rất dễ xảy ra tình trạng địa phương và Trung ương "đổ" cho nhau thì sự vụ, sự việc khó có thể giải quyết đến nơi đến chốn. Do đó, nên mạnh dạn giao quyền cho địa phương, nếu địa phương đó đủ thực lực, nhân lực và kinh nghiệm quản lý.

“Ví dụ như ở Đồng Tháp chúng tôi đã có cảng vụ rồi. Như vậy và các chi nhánh của cảng vụ (nếu được thành lập) thì lấy nhân lực ngay từ cảng vụ đó. Về mặt vĩ mô, tôi cho rằng lúc đầu có khó khăn nhưng sau đó sẽ sớm đi vào nề nếp. Nếu nhân lực thiếu chuyên môn nghiệp vụ thì Bộ GTVT cần mở lớp đào tạo.

Quan trọng cốt lõi đó là phân cấp có chọn lọc và không phải toàn bộ 63 tỉnh, thành trong cả nước đều như nhau. Cùng với đó, cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.

 

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận