SAR 79 -cầu nối cho sự hợp tác tìm kiếm cứu nạn giữa các nước

Tác giả: Vishipel

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 29/06/2017 06:28

Những năm gần đây, hoạt động kinh tế biển có những bước phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, hoạt động hành hải cũng tiềm ẩn nhiều tai nạn, sự cố rủi ro, đã và đang gây nên những tổn thất về người, tàu thuyền và hàng hóa cho các phương tiện.

 

tim kiem cuu nan 1
 


Các công ước, hiệp ước, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến hoạt động tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển đều yêu cầu các quốc gia ven biển cần lưu ý trong việc phối hợp, hợp tác với các quốc gia láng giềng trong việc thường trực thu nhận, xử lý thông tin cấp cứu trên biển, tổ chức và phối hợp điều hành hoạt động TKCN trên vùng biển quốc gia mình và vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia trong khu vực.

Công ước quốc tế về TKCN hàng hải năm 1979 (SAR 79) được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thông qua ngày 27/4/1979 tại Đức chính là cầu nối cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong hoạt động TKCN trên biển. Với mục tiêu của công ước là phát triển một kế hoạch TKCN quốc tế để khi có bất cứ tai nạn nào xảy ra thì việc cứu giúp người bị nạn trên biển sẽ được tiến hành bởi tổ chức TKCN quốc gia và khi cần thiết sẽ có sự phối hợp TKCN giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận. Các thành viên của công ước được yêu cầu phải đảm bảo đáp ứng thỏa đáng các dịch vụ TKCN trong vùng của mình.

Sự hợp tác chung giữa các quốc gia trong hoạt động TKCN được quy định rất rõ trong Chương 3 của Công ước SAR 79. Công ước SAR 79 quy định phải đảm bảo rằng bất kỳ người và phương tiện nào gặp nạn trên biển cũng nhận được sự hỗ trợ. Khi nhận được thông tin về người và phương tiện gặp nạn trên biển, các cơ quan có thẩm quyền của thành viên Công ước sẽ áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo các hỗ trợ cần thiết được cung cấp. Các thành viên của Công ước sẽ trao đổi thông tin về tình huống TKCN như tình hình bị nạn, số lượng người, phương tiện bị nạn… trong việc tổ chức phối hợp TKCN.

Thông qua Công ước SAR 79, các quốc gia sẽ thiết lập các kênh nhằm hỗ trợ, cung cấp phương tiện, nhân viên y tế, trang thiết bị cần thiết… cho các quốc gia khác khi có yêu cầu. Các thành viên công ước sẽ phối hợp trong việc tổ chức TKCN và khi cần thiết sẽ phối hợp các hoạt động TKCN với các quốc gia liền kề; cho phép lực lượng, phương tiện TKCN của một quốc gia khác vào lãnh thổ, vùng kiểm soát của quốc gia mình nhằm mục đích TKCN với các thủ tục nhanh chóng, tiện lợi.

Để việc phối hợp TKCN được thuận lợi, Công ước Sar 79 cũng khuyến cáo các quốc gia trong vấn đề Hợp tác giữa các nước về TKCN đó là tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định và thỏa thuận song phương, đa phương giữa các quốc gia trong khu vực nhằm thống nhất, cụ thể hóa với nhau về các vấn đề liên quan đến hợp tác, phối hợp trong hoạt động TKCN. Các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến hoạt động TKCN đều yêu cầu các quốc gia ven biển lưu ý trong việc phối hợp với các quốc gia láng giềng trong việc thường trực thu nhận, xử lý thông tin cấp cứu trên biển, tổ chức và điều hành hoạt động phối hợp TKCN trên vùng biển quốc gia của mình và vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia và hoạt động TKCN trên biển cả.

Hiện nay, các quốc gia ven biển đều thực hiện các hợp tác quốc tế bằng việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận đa phương, song phương về TKCN trên biển với các quốc gia láng giềng, quốc gia trong khu vực và quốc gia trên thế giới nhằm đạt được sự thỏa thuận, hợp tác trao đổi, chuyển giao thông tin cấp cứu, báo nạn trên biển; phối hợp xử lý, xác minh và đánh giá thông tin cấp cứu, báo nạn trên biển một cách kịp thời và chính xác; tổ chức hoạt động phối hợp TKCN trên vùng biển chồng lấn về TKCN trên biển giữa hai quốc gia; phối hợp, hợp tác trong hoạt động huấn luyện, đào tạo, tổ chức diễn tập TKCN trên biển; trao đổi kinh nghiệm tổ chức, kinh nghiệm điều hành hoạt động TKCN để nâng cao hiệu quả hoạt động...

Nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TKCN và thông qua Công ước SAR, Việt Nam đã tham gia ký kết một số hiệp định song phương trong lĩnh vực TKCN hàng hải như ký kết Hiệp định hàng hải với Hoa Kỳ, xúc tiến hợp tác với các nước láng giềng qua “Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền gặp nạn trên biển”…; tổ chức diễn tập xử lý thông tin TKCN giữa Việt Nam MRCC và MRCC của các nước láng giềng, khu vực như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Singapore… Với Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam bao gồm cả vô tuyến mặt đất và vô tuyến vệ tinh, trực canh 24/24h được trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế quy định sẵn sàng tiếp nhận và xử lý thông tin cứu nạn và cứu hộ trong việc trong việc TKCN…

Hợp tác TKCN giữa các quốc gia có ý nghĩa rất lớn đến tính mạng con người và phương tiện đi biển. Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao chúng ta cần phải chấp hành và làm tốt các quy định, không ngừng thúc đẩy sự phối hợp, liên kết giữa các nước

Ý kiến của bạn

Bình luận