Vành đai 1 Hà Nội luôn giữ kỷ lục về tuyến đường đắt đỏ. Ảnh: Bá Đô |
Hà Nội đang triển khai dự án cuối cùng trên tuyến vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, và nếu được Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư trong tháng 7 thì thành phố sẽ ra quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ngay để có thể khởi công vào đầu năm 2018.
Những "kỷ lục" liên tục bị phá vỡ
Ông Vũ Hà, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công nghiệp dân dụng và công nghiệp Hà Nội, cho biết dự án nêu trên có chiều dài 2,2 km, tổng mức đầu tư dự kiến gần 7.800 tỷ đồng.
"Để làm tuyến đường này sẽ phải giải phóng mặt bằng 2.044 hộ dân, trong đó quận Ba Đình 1.241 hộ, quận Đống Đa 803 hộ; tái định cư hơn 2.200 hộ", ông Hà nói và thông tin thêm, dự án có diện tích thu hồi rất lớn với hơn 159.000 m2, trong khi giá đất tại khu vực quận Đống Đa, Ba Đình rất cao, khiến chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư lên đến hơn 6.400 tỷ đồng, phần dành cho xây lắp khoảng 1.100 tỷ đồng.
Như vậy, chi phí làm một mét đường ở tuyến Vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục gồm giải tỏa và xây lắp là 3,5 tỷ đồng; tiền giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 82% tổng đầu tư dự án. Đây sẽ là đường đắt nhất Thủ đô đến nay, phá vỡ các "kỷ lục" trước đó.
Cụ thể như, đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái dài 570 m, tổng mức đầu tư trên 1.100 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 800 tỷ đồng; bình quân chi phí làm một mét đường ở dự án này là gần 2 tỷ đồng.
Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, dài hơn 500 m, tổng mức đầu tư 969 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 680 tỷ đồng; giá gần 1,8 tỷ đồng một mét đường.
Đường Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa, dài trên 500 m, tổng đầu tư hơn 700 tỷ đồng, trên 500 tỷ đồng giải phóng mặt bằng; giá 1,2 tỷ đồng một mét đường...
Người dân chia tách hộ "đón đầu" dự án
Lý giải kinh phí "khủng" của nhiều dự án hạ tầng giao thông Hà Nội, ông Vũ Hà cho rằng một số tuyến đường trên các vành đai đã có quy hoạch, xác định chỉ giới từ năm 1998, song gần đây mới được triển khai khiến tổng vốn đầu tư tăng cao.
Đơn cử với dự án vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục, ông Vũ Hà nói năm 2006, Ban dự án trọng điểm đã nghiên cứu lập dự án mở rộng trình thành phố Hà Nội, tuy nhiên do nguồn vốn khó khăn nên thành phố không phê duyệt toàn bộ mà phân kỳ đầu tư từng phần các đoạn như hầm Kim Liên, Ô Đông Mác, Hoàng Cầu - Voi Phục.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Hà Nội, cũng cho rằng nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường ở Thủ đô được dư luận ví von "đắt nhất hành tinh", là vì Hà Nội đã không quyết liệt mở rộng theo quy hoạch vào năm 1998.
"Ví dụ với vành đai 1, do chậm trễ triển khai đồng bộ nên thiếu kết nối trên toàn tuyến, hiệu quả sử dụng tuyến đường không cao, chưa kể giá đất tăng lên nhiều năm gây tăng kinh phí giải tỏa", ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Tương tự, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, các tuyến vành đai 2, vành đai 2,5 đã được quy hoạch gần 20 năm song đến nay vẫn còn dang dở, và theo quy luật khi chậm đầu tư thì lại tăng giá do giá đất được điều chỉnh hàng năm. Trong khi đó, thành phố không thể khống chế gia tăng dân cư trong khu vực đã quy hoạch, nhiều gia đình chia tách hộ, mua đi bán lại khiến dân số tăng qua thời gian dài.
Đồng quan điểm, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, phân tích: "Khi thành phố có chủ trương đầu tư hạ tầng, người dân khu vực đó sẽ đầu cơ. Họ trồng thêm cây, xây tường, tách hộ khẩu để tăng tiền đền bù mà chính quyền không thể ngăn cản được. Từ đó, tăng chi phí bồi thường, giải tỏa".
Giải pháp tránh "vòng luẩn quẩn" chi phí làm đường đô thị
Ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng các dự án hạ tầng của Hà Nội từ vành đai 1 đến vành đai 2, 2,5... đều phụ thuộc vào ngân sách, khi thiếu vốn thì dự án đình trệ và sự chậm trễ lại dẫn đến đội vốn lên nhiều lần. "Đây là một vòng luẩn quẩn", ông nói.
Theo ông Liêm, nguyên lý khi mở đường là thu hồi toàn bộ khu vực đô thị mà tuyến đường dự định đi qua với giá đất như nhau. Sau đó, thành phố tiến hành đấu giá đất để lấy tiền làm đường, doanh nghiệp sử dụng đất sẽ xây dựng chung cư để người dân tái định cư tại chỗ. Qua đó, tuyến đường không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn làm tăng giá trị đất đai trong cả khu vực.
"Đây là kinh nghiệm từ nhiều thành phố trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, ngành nào biết ngành đó, anh giao thông chỉ biết làm đường, không quan tâm phát triển giá trị đất đai", ông Liêm nói và nhận xét, với cách làm hiện nay, chỉ có những người ở mặt đường được hưởng lợi từ dự án hạ tầng, không bình đẳng với những người phải di dời, tái định cư đến nơi khác.
Ông Nguyễn Sỹ Bảo - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công nghiệp dân dụng và công nghiệp Hà Nội, chia sẻ sự đồng tình với giải pháp ông Liêm đưa ra. Theo ông, nếu thu hồi được đất hai bên đường để xây dựng nhà chung cư thì sẽ hạn chế tình trạng nhà siêu mỏng, cả tuyến đường được chỉnh trang đồng bộ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.