Việc cấm taxi và xe công nghệ dưới 9 chỗ chỉ là giải pháp tình thế |
Trước thực trạng ùn tắc trên một số tuyến phố nội đô, trong đó có một số tuyến phố có công trường thi công, để giảm ùn tắc, thời gian qua Sở GTVT đã cấm taxi toàn thời gian hoặc theo giờ trên 13 tuyến phố trung tâm. Trên các tuyến phố cấm taxi có cắm cột biển báo cấm taxi ở hai đầu đường và các nhánh rẽ vào. Tuy nhiên, gần đây nhiều ô tô kinh doanh chở khách dưới 9 chỗ trong đó có xe Uber, Grab vẫn đi vào bắt khách. Điều này làm cho biển cấm mất tác dụng, mật độ phương tiện đi lại vẫn cao và tạo sự bất bình đẳng trong hoạt động vận tải, do vậy sau khi có văn bản xin ý kiến lãnh đạo thành phố, Sở GTVT đã thực hiện bổ sung biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên các tuyến phố có biển cấm taxi.
Ghi nhận trên một số tuyến phố cấm taxi như Lê Văn Lương, Láng Hạ, Trường Chinh, Cầu Giấy - Xuân Thủy… trong chiều 11/1, ngoài cột biển cấm có hình tròn cấm taxi ở bên trên, bên dưới biển hình tròn này còn được gắn thêm một biển trắng hình chữ nhật in dòng chữ cấm “Xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi”. Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi có các biển nay, nếu xe hợp đồng dưới 9 chỗ, trong đó có xe Grab, Uber, Limousine chạy vào 13 tuyến phố có biển cấm taxi sẽ bị xử lý.
Trao đổi với phóng viên báo chí sáng 11/1, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, khi hạ tầng giao thông chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng của giao thông, để giảm ùn tắc chỉ còn giải pháp tổ chức giao thông cho hợp lý. Ông Viện cho biết, gần đây khi Bộ GTVT thí điểm cho ô tô dưới 9 chỗ được chở khách theo hình thức hợp đồng điện tử, đa phần xe tham gia là Uber, Grab, các quy định tổ chức giao thông trên bị vô hiệu hóa khi các xe này không đeo lô gô, biểu trưng. Theo các nghị quyết về quản lý, tổ chức giao thông vừa được thành phố Hà Nội thông qua, quy định, xe công nghệ Uber, Grab được quản lý như xe taxi.
Xe công nghệ vi phạm sẽ bị xử phạt lỗi “kép”
Ông Viện cho biết, sau 2 năm thí điểm nhưng việc quản lý xe Uber, Grab vẫn đang phải chờ bộ GTVT báo cáo Chính phủ về hình thức quản lý, cùng với đó sẽ phải sửa Nghị định 86. Tuy nhiên, với chủ trương trên của thành phố và với thẩm quyền là đơn vị quản lý tổ chức giao thông tại Thủ đô, Sở GTVT có trách nhiệm đưa ra các biện pháp trong đó có cắm biển cấm xe hợp đồng hoạt động trên các tuyến phố cấm taxi.
Cũng ông Viện cho rằng, việc cấm taxi và xe công nghệ dưới 9 chỗ chỉ là giải pháp tình thế, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận người dân đang sử dụng các phương tiện này trên các tuyến phố cấm taxi. Tuy nhiên, để đảm bảo các quy định được thực hiện đồng bộ, công bằng đây là việc cơ quan quản lý Nhà nước phải làm. Về lâu dài, nếu các tuyến phố cấm taxi, đặc biệt là các tuyến phố có công trình thi công thực hiện xong, Sở GTVT sẽ tiến hành dỡ bỏ các biển cấm taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ. Từ ngày 11/1 Hà Nội chỉ còn lại 11 tuyến phố cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Trong 11 tuyến phố cấm taxi còn lại, trong 10 ngày tới Sở GTVT sẽ tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp xe Uber, Grab vi phạm, sau thời gian này nếu phát hiện xe công nghệ nào vi phạm lực lượng chức năng sẽ xử phạt cả hai lỗi: không dán hoặc dán logo, biểu trưng không đúng quy định và lỗi đi vào đường cấm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.