Dự thảo sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải; giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ bốc dỡ container và giá dịch vụ lai dắt. Cụ thể như sau:
Khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải
Tăng giá dịch vụ tuyến dẫn tàu tại một số khu vực (Ảnh minh hoạ) |
Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT, đối với khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải sẽ điều chỉnh tăng giá dịch vụ tuyến dẫn tàu tại khu vực Vân Phong, Ba Ngòi (Khánh Hòa), Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh); cảng dầu khí ngoài khơi, giàn khoan dầu khí.
Đồng thời, Dự thảo sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT cũng Sửa đổi điểm 7, khoản 1 và khoản 2 Điều 9 như sau: Đến 10 hải lý ….; Trên 10 hải lý đến 30 hải lý… Theo Cục hàng hải Việt Nam, việc quy định cách viết dưới 10 hải lý gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định khoảng cách dẫn tàu, có doanh nghiệp lấy mốc 9 hải lý, có doanh nghiệp lấy mốc 9,9 hải lý, tạo ra sự không thống nhất trong cách tính giữa các khu vực.
Sửa đổi, khoản 1 và khoản 2 Điều 9 như sau: Bổ sung cụm từ “lũy tiến” tại số thứ tự 7 khoản 1 và khoản 2 cho thống nhất cách hiểu và thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc áp dụng. Lý giải về việc sửa đổi này, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết khung giá dịch vụ tính theo phương pháp lũy tiến đã được áp dụng trong nhiều năm qua (từ Thông tư số 01/2016/TT-BTC quy định phí, lệ phí và biểu thu phí lệ phí hàng hải), tuy nhiên trong Thông tư số 54/218/TT-BGTVT đã bỏ cụm từ lũy tiến tạo ra cách hiểu không thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng.
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo
Theo Dự thảo sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT, khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo đối với tàu thuyền hoạt động nội địa sẽ giữ nguyên mức giá tối thiểu, điều chỉnh mức giá tối đa dịch vụ sử dụng cầu, bến đối với tàu thuyền hoạt động nội địa từ 15 đồng/GT/giờ lên 19 đồng/GT/giờ.
Vấn đề này được sửa đổi, bổ sung dựa trên cơ sở kiến nghị của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty CP Cảng Sài Gòn, Công ty CP Cảng Hải Phòng và các doanh nghiệp cảng biển khác. Cụ thể, giá dịch vụ sử dụng cầu, bến đã được quy định cách đây hơn 12 năm (không tăng), từ Quyết định số 98/2008/QĐ-BTC ngày 04/11/2008 của Bộ Tài chính ban hành quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải. Hiện nay, hệ thống cảng biển Việt Nam được đầu tư nâng cấp ngày càng hiện đại, một số cảng biển có chất lượng dịch vụ tương đương với các nước trong khu vực. Chi phí đầu tư xây dựng cảng rất lớn, chi phí thiết bị hạ tầng, bảo trì bão dưỡng, nhân công liên tục tăng lên để đáp ứng nhu cầu hàng hóa và chất lượng dịch vụ ngày càng cao theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, mức giá thu được từ dịch vụ sử dụng cầu, bến cảng vẫn giữ nguyên, điều này khó khăn cho doanh nghiệp cảng biển trong việc tích lũy nguồn vốn để tái đầu tư cảng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiệp hội, doanh nghiệp cảng biển kiến nghị giữ nguyên mức giá tối thiểu, điều chỉnh mức giá tối đa từ 15 đồng/GT/giờ lên 19 đồng/GT/giờ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cảng biển linh hoạt trong việc quyết định mức giá cho phù hợp với chi phí đầu tư và chất lượng dịch vụ.
Đồng thời,Dự thảo sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT giảm khung giá dịch vụ sử dụng phao neo đối với tàu thuyền hoạt động nội địa và quốc tế (Điều chỉnh giảm giá tối thiểu, giữ nguyên giá tối đa dịch vụ sử dụng phao neo (cả tàu thuyền hoạt động nội địa và hoạt động quốc tế). Ngoài ra bổ sung khung giá đối với hành khách thông qua tại cảng chuyên dụng.
Bởi lẽ, hiện nay, có nhiều phao neo được đầu tư và đưa vào khai thác, giúp cho tàu thuyền neo buộc chờ làm hàng được an toàn hoặc chuyển tải hàng hóa. Bến phao được đầu tư với chi phí thấp, chi phí bảo trì bảo dưỡng... cũng thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư cảng biển, nhưng mức giá dịch vụ tại bến phao quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT bằng 50-70% mức giá của cảng biển. Theo ý kiến của doanh nghiệp kinh doanh bến phao, hiện tại doanh nghiệp đang áp dụng mức giá tối thiểu theo Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư và giá thành dịch vụ. Mức giá cao cũng làm giảm lượng tàu, thuyền ra, vào bến phao, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp kinh doanh phao neo kiến nghị giảm mức giá tối thiểu dịch vụ tại phao neo từ 9,00 đồng/GT/giờ xuống 5,00 đồng/GT/giờ (đối với tàu hoạt động nội địa) và từ 0,0012 USD/GT/giờ xuống 0,0005 USD/GT/giờ (đối với tàu thuyền hoạt động quốc tế). Việc điều chỉnh này giúp doanh nghiệp kinh doanh bến phao linh hoạt trong việc quyết định mức giá cho phù hợp với giá thành dịch vụ, đồng thời để giảm giá dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải biển trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tăng khung giá dịch vụ bốc dỡ container
Về khung giá dịch vụ bốc dỡ container, khung giá nội địa sẽ tăng khoảng 12% giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container nội địa khu vực 1,2,3. Thời gian áp dụng kể từ ngày 1/1/2022. Đối với khung giá dịch vụ container xuất nhập khẩu (XNK), tại khu vực 1, giá dịch vụ bốc dỡ tối thiểu (không áp dụng với cảng Lạch Huyện) dự kiến tăng 10%/năm trong ba năm 2021, 2022 và 2023. Giá tối thiểu bốc dỡ container XNK khu vực 2 dự kiến điều chỉnh tăng 10%/năm trong hai năm 2020 và 2023. Tại khu vực 3, giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container XNK (không bao gồm khu vực Cái Mép - Thị Vải) dự kiến tăng 10% trong hai năm 2023 và 2023. Đối với khu vực cảng Lạch Huyện: dự thảo đề xuất tăng giá bốc dỡ container XNK theo lộ trình 10%/năm trong hai năm 2022 và 2023. Khu vực Cái Mép - Thị Vải, mức giá bốc dỡ container XNK được dự kiến tăng 10% năm 2021 và 10% năm 2023.
Khung giá này được điều chỉnh dựa trên cơ sở kiến nghị của cơ quan, doanh nghiệp (Hiệp hội cảng biển Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, và các doanh nghiệp cảng biển), giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa theo quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT (260.000 đồng/cont 20’ và 439.000 đồng/cont 40’) rất thấp, thấp hơn chi phí giá thành dịch vụ và chỉ bằng 27% - 35% giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu, trong khi các chi phí đầu tư, chi phí hoạt động và chi phí tác nghiệp là như nhau, nhưng doanh nghiệp cảng chỉ thu được mức giá trung bình bằng 30% so với mức giá của container xuất nhập khẩu.
Hiệp hội và doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container nội địa để phù hợp với cơ cấu giá thành là cần thiết bảo đảm cho các doanh nghiệp cảng ổn định sản xuất kinh doanh, có nguồn tài chính để tái đầu tư cơ sở hạ tầng nâng cao chất lượng dịch vụ cảng container.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.