Singapore xử lý người đi xe đạp vi phạm luật giao thông như thế nào?

Giao thông toàn cầu 26/10/2021 16:13

Bộ GTVT Singapore vừa ban hành quy định mới cho người đi xe đạp, theo đó tăng gấp đôi tiền phạt và giới hạn quy mô của các nhóm đi xe đạp.

dw-cycling-rules-211020

Cụ thể, kể từ 1/1/2022, những người đi xe đạp vi phạm luật giao thông sẽ phải nộp phạt 150 SGD (2,5 triệu đồng), cao gấp đôi so với mức 75 SGD (1,27 triệu đồng) hiện nay. Mức phạt này áp dụng cho các lỗi như không dừng đèn đỏ, đi xe đạp vào đường cao tốc hoặc lái xe dàn ngang trên đường một làn. Luật mới cũng giới hạn quy mô của các nhóm đi xe đạp là một nhóm 5 xe nối đuôi thành một hàng hoặc nhóm 10 xe lái xe ngang hàng.

Quy định mới được ban hành sau khi Bộ GTVT đồng ý với tất cả các đề xuất của Hội đồng tư vấn về Phương tiện di chuyển tích cực nhằm cải thiện an toàn giao thông đường bộ. Báo cáo Bộ GTVT vào ngày 1/10 vừa qua, Hội đồng tư vấn cho biết việc giới hạn chiều dài các nhóm đi xe đạp tối đa là 5 xe sẽ giới hạn không gian mà họ chiếm dụng trên những đoạn đường dành cho xe buýt. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên tiếp tục cho phép người đi xe đạp ngang hàng trên những con đường có từ hai làn trở lên, để đảm bảo tầm nhìn và an toàn. Hội đồng cũng đề xuất Chính phủ không yêu cầu người đi xe đạp phải có giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe, bất chấp những lời kêu gọi của một số người điều khiển ô tô yêu cầu siết chặt quy định về người đi xe đạp.

Về vấn đề này, Bộ GTVT đồng ý với đề xuất của Hội đồng tư vấn và cho biết, quy định về giấy phép và đăng ký xe đạp ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người đi xe đạp đang chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ, trong khi xã hội đang khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông bền vững. Mặt khác, hiện chưa có nhiều bằng chứng nghiên cứu ở nước ngoài cũng như kinh nghiệm quá khứ trong nước cho thấy việc cấp giấy phép cho người đi xe đạp có hiệu quả trong cải thiện an toàn giao thông đường bộ hoặc ngăn chặn người đi xe đạp vi phạm. Thay vào đó, Hội đồng tư vấn đưa ra một số khuyến nghị khác, chẳng hạn tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các nhóm đi xe đạp giữ khoảng cách 30m trên các con đường. Đồng thời, hướng dẫn người điều khiển ô tô giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m khi vượt qua người đi xe đạp trên đường.

Bộ GTVT cũng cho biết sẽ tăng cường thực thi pháp luật đối với những người điều khiển ô tô và xe đạp vi phạm trên đường. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, người đi xe đạp cũng có thể bị buộc tội, hầu tòa và bị phạt tới 1.000 SGD cũng như phạt tù giam 3 tháng cho lần vi phạm đầu tiên. Nếu tái phạm có thể bị phạt tới 2.000 SGD hoặc phạt tù đến 6 tháng.

Bên cạnh siết chặt các quy định, Bộ GTVT hiện đang tiếp tục hợp tác với các bên liên quan để đẩy mạnh giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân và phổ biển các quy định, hướng dẫn mới. Chẳng hạn như một số cơ quan điều hành giao thông công cộng đã xây dựng các phần mềm mô phỏng để hướng dẫn người lái xe buýt hiểu rõ hơn về các tình huống khi gặp người đi xe đạp.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Chee Hong Tat, chuyên gia giao thông cho biết, Cơ quan giao thông đường bộ (LTA) đã thực hiện cưỡng chế xử lý 500 người đi xe đạp vi phạm luật từ đầu năm đến nay. Ông cho biết, quy định mới về quy mô nhóm sẽ giải quyết mối lo ngại của người đi đường về các nhóm đi xe đạp bành trướng, lấn chiếm không gian.

Phó giáo sư Walter Theseira, Chủ nhiệm Chương trình Thạc sĩ quản lý (giao thông đô thị) tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho rằng, bên cạnh các quy định về tiền phạt và quy mô, nên có một số hình thức bảo hiểm bắt buộc cho người đi xe đạp để đảm bảo các nạn nhân của những vụ tai nạn do người đi xe đạp phạm lỗi có thể được bồi thường. "Đối với phương tiện cơ giới, mục đích của bảo hiểm bắt buộc là để những người lái xe gây tai nạn không có khả năng bồi thường sẽ không tái phạm hành vi gây hại đến các nạn nhân mà không phải chịu trách nhiệm nữa. Đã có quá nhiều vụ tai nạn do người đi xe đạp gây ra nhưng không thể bồi thường cho các nạn nhân."

Liên minh Công nhân Vận tải Quốc gia (NTWU) kêu gọi người đi xe đạp nhường làn đường dành cho xe buýt trong giờ cao điểm vì sự an toàn của chính họ. Theo thư ký điều hành của NTWU, thiết kế đường hiện tại khiến cho xe buýt phải lấn sang làn đường bên cạnh để có thể đảm bảo khoảng cách 1,5m khi vượt xe đạp. "Vì thông thường xe buýt phải vượt một người/nhóm người đi xe đạp nhiều lần nên việc vượt và lấn sang làn bên liên tục như vậy sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, nhất là vào giờ cao điểm." - Thư ký NTWU cho hay.

Bà Megan Kinder, Chủ tịch CLB đạp xe ANZA Cycling cho biết, giới hạn về quy mô nhóm nên là một hướng dẫn chứ không nên đưa vào quy định để phạt. Bà đồng ý rằng việc hạn chế quy mô nhóm đi xe đạp có thể tạo ra một "con đường chung tốt hơn" nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng cứng nhắc tùy theo tình huống như điều kiện đường xá và nhu cầu vượt. Về việc tăng mức phạt, bà Kinder cho rằng việc tăng mức phạt có thể có tác dụng nếu có biện pháp cưỡng chế tại chỗ nhưng cần cân bằng về hình phạt, tính răn đe và thực thi đối với những người đi xe đạp vi phạm. Đặc biệt, các tiêu chuẩn về khoảng cách vượt tối thiểu cần được quy định cụ thể trong luật.

Ý kiến của bạn

Bình luận