Quan sát toàn khu vực, chúng tôi nhận thấy, để thi công tuyến đường cao tốc tại khu vực nằm sát bờ sông Nam, các đơn vị thi công đã để đất đá tràn xuống vùi lấp nhiều đoạn lòng sông. Đặc biệt, đoạn từ Trạm Kiểm lâm Sông Nam ngược lên, thuộc Km49, các đơn vị thi công đã đắp 2 con đập chắn ngang 2 đoạn của dòng sông Nam, mỗi đập chỉ chừa một miệng cống rộng chừng 4m.
Anh Bùi Văn Hoàng, Phó Công an xã Hòa Bắc, cho biết: Trong quá trình thi công, ngoài việc để đất đá vùi lấp lòng sông Nam, đơn vị thi công còn làm hư hỏng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy của người dân thôn Tà Lang. Sau khi người dân có ý kiến, đơn vị thi công đã sửa chữa, nhưng lượng nước hiện tại vẫn rất yếu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Còn việc lòng sông Nam bị đất đá vùi lấp trong thời gian qua và như hiện nay, nếu không tiến hành khơi thông, khắc phục lại nguyên trạng dòng sông, sẽ vô cùng nguy hiểm khi mưa lũ xảy ra...
"Chỉ cần một trận mưa lớn, hàng nghìn mét khối đất đá sẽ bị nước cuốn xuống hạ lưu, vùi lấp, tàn phá các khu dân cư, ruộng đất sản xuất của người dân. Người dân ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí ở xã Hòa Bắc vô cùng lo ngại trước thực trạng thượng nguồn sông Cu Đê bị vùi lấp như hiện nay", anh Hoàng nói.
Tiếp tục tìm hiểu sự việc, bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết: Tình trạng các đơn vị thi công đường cao tốc La Sơn-Túy Loan đã để đất đá vùi lấp vào khu vực nhà cửa, đất đai sản xuất của người dân đã xảy ra từ cuối năm 2015. UBND xã đã có kiến nghị yêu cầu các đơn vị này khắc phục tình trạng trên. Đến năm 2016, việc thi công để xảy ra tình trạng vùi lấp lòng sông, đắp đường công vụ qua lòng sông như ở Km 49 (thôn Tà Lang) là rất nguy hiểm.
Cũng Theo bà Hà, đơn vị thi công cũng phải có biện pháp hạn chế và khắc phục ngay, chứ để tình trạng lòng sông bị vùi lấp, biến dạng thì thật là nguy hiểm khi mùa mưa lũ tới. Ngay ở xã Hòa Bắc, hầu hết đất đai sản xuất canh tác phục vụ trực tiếp đời sống người dân đều nằm ven sông Cu Đê, các thôn có diện tích đất sản xuất nhiều như thôn Nam Yên, Phò Nam... đều nằm 2 bên sông. Chưa kể, càng xuôi về phía hạ lưu, nhiều khu dân cư còn nằm sát bờ sông Cu Đê, như hàng trăm hộ dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên. Nếu xảy ra lũ quét, lũ ống, kéo theo hàng nghìn mét khối đất đá mà các đơn vị thi công đường cao tốc đã đẩy xuống thượng nguồn, thì hậu quả sẽ khó lường hết tác hại của sự tàn phá thế nào, sẽ thiệt hại rất lớn về kinh tế, về tài sản và cả tính mạng con người.
Các đơn vị thi công cao tốc La Sơn-Túy Loan đã để đất đá vùi lấp, đắp đập chắn ngang dòng thượng nguồn sông Cu Đê làm đường công vụ, rất nguy hiểm khi mùa mưa lũ sắp đến. Ảnh: H.T |
Ngay trong ngày 19-8, theo bà Lê Thị Thu Hà, đoàn công tác liên ngành tiếp tục tiến hành kiểm tra tại hiện trường nơi khu vực lòng sông thượng nguồn sông Cu Đê bị vùi lấp. Cũng trong ngày, UBND xã Hòa Bắc đã tổ chức cuộc họp về công tác phòng chống lụt bão trước mùa mưa bão sắp đến. Trong nội dung cuộc họp đã nêu vấn đề tình trạng thượng nguồn sông Cu Đê bị vùi lấp do thi công đường cao tốc, cuộc họp đã mời các đơn vị thi công đường cao tốc cùng tham dự, đề nghị các đơn vị này phải nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục. Trước đó, cuối tháng 7-2016, UBND H. Hòa Vang đã lập đoàn công tác liên ngành lên Hòa Bắc kiểm tra thực tế tình hình, xác định khu vực thi công đường cao tốc để đất đá vùi lấp dòng sông thuộc trách nhiệm của đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và một phần của Công ty TNHH Tập đoàn Trường Thịnh.
Trước sự việc thi công đường cao tốc đoạn La Sơn-Túy Loan để xảy ra tình trạng vùi lấp một số khu vực lòng sông thượng nguồn sông Cu Đê, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, yêu cầu các đơn vị thi công đường cao tốc đoạn La Sơn-Túy Loan phải khẩn trương triển khai ngay các biện pháp, khắc phục tình trạng nêu trên.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.