Sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông ĐTNĐ để phù hợp hơn với thực tế

Tác giả: Hồng Xiêm

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 27/11/2023 08:58

Sau hơn 17 năm thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ), lĩnh vực GTVT đường thủy được quản lý, phát triển theo hướng bền vững, song cũng có nhiều vấn đề đặt ra.

Sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông ĐTNĐ để phù hợp hơn với thực tế- Ảnh 1.

Quản lý hoạt động GTVT đường thủy theo luật giúp tạo sự phát triển bền vững

Quản lý theo luật tạo sự chuyển biến, phát triển bền vững

Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, từ năm 2005, Luật Giao thông ĐTNĐ bắt đầu có hiệu lực thi hành, đánh dấu việc quản lý các hoạt động liên quan đến giao thông ĐTNĐ theo luật. Để đáp ứng nhu cầu phát triển và quản lý thực tiễn, ngày 17/6/2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông ĐTNĐ, có hiệu lực từ 1/1/2015.

So với trước đó, luật sửa đổi, bổ sung đã mở rộng hơn đối tượng và phạm vi điều chỉnh, để điều chỉnh theo luật các hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông, vận tải; quy hoạch phát triển, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng; cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông ĐTNĐ.

Chính sách phát triển giao thông ĐTNĐ cũng được sửa đổi, bổ sung nguyên tắc hoạt động giao thông đường thủy nội địa theo mục tiêu là phát triển giao thông ĐTNĐ phải phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quy định về kết cấu hạ tầng và cảng, bến thủy nội địa được bổ sung, làm rõ hơn về kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ gồm: đường thủy nội địa; hành lang bảo vệ luồng; cảng, bến thủy nội địa; khu neo đậu ngoài cảng; kè, đập giao thông, báo hiệu đường thủy và các công trình phụ trợ khác. Bổ sung trách nhiệm của chủ công trình hoặc đại diện chủ công trình thủy lợi, thủy điện khi vận hành phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông ĐTNĐ.

Về quản lý phương tiện thủy nội địa, thuyền viên và người lái phương tiện thủy nội địa, luật sửa đổi, bổ sung vẫn chia phương tiện thủy thành 4 nhóm để quản lý. Tuy nhiên, việc phân loại đã hợp lý hơn, không chỉ đảm bảo triệt để phân cấp quản lý, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đăng ký, đăng kiểm, điều tra, xử lý vi phạm hành chính... Bên cạnh đó, bỏ quy định phải đăng kiểm đối với các phương tiện loại nhỏ không có động cơ trọng tải từ 5 tấn đến dưới 15 tấn do đây là các phương tiện thô sơ, có trọng tải không lớn. Còn về tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung 1 chương về tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thuỷ nội địa, gồm 2 mục và 6 điều.

Luật Giao thông ĐTNĐ năm 2014 tiếp tục là một bước tiến mới trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật giao thông đường thủy nội địa nói riêng, góp phần đưa hoạt động GTVT đường thủy được thông suốt, an toàn và đạt hiệu quả cao.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, trong quá trình triển khai Luật Giao thông ĐTNĐ, Cục luôn chú trọng đánh giá, nắm bắt tình hình hoạt động, phát triển giao thông ĐTNĐ và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong công tác quản lý để đề xuất các giải pháp khi sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông ĐTNĐ. Trong năm 2021 và 2022, Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức các hội nghị tổng kết Luật Giao thông ĐTNĐ để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân… đóng góp nội dung cần dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông ĐTNĐ để phù hợp hơn với thực tế- Ảnh 2.

Luật Giao thông ĐTNĐ hiện bộc lộ một số bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế

Một số vấn đề cần đặt ra khi sửa đổi, bổ sung luật

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, đến hết tháng 6/2023, toàn quốc có 258.580 phương tiện thủy được cấp giấy chứng nhận đăng ký, với tổng trọng tải đạt hơn 22,7 triệu tấn và hơn 594.000 ghế. Tổng số giấy chứng nhận, chứng chỉ thuyền viên phương tiện thủy đã cấp là 467.400 chiếc, trong đó 6 tháng đầu năm cấp được 2.755 chiếc. Công tác quản lý cảng, bến thủy và hoạt động trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ ngày càng có sự tuân thủ tốt hơn theo quy định của luật.

Tuy nhiên, từ thực tiễn cũng như góp ý của các địa phương, đại biểu tại các hội nghị cho thấy, Luật Giao thông ĐTNĐ cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để vừa thúc đẩy phát triển ĐTNĐ vừa bảo đảm phát triển bền vững. Trong đó, nổi bật là các vấn đề như huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; ưu tiên nguồn lực Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng luồng, tuyến đường thủy nội địa công cộng, nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng, bến thuỷ nội địa, luồng chuyên dùng; ứng dụng khoa học công nghệ 4.0; nguồn kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng; tăng cường kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển hoạt động vận tải đa phương thức, logistics trong vận tải thủy, đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động vận chuyển, kho bãi; quản lý thuyền viên, phương tiện thủy; ATGT đường thủy…

Liên quan vấn đề ATGT, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho rằng, nên bổ sung trong luật để quy định rõ hơn về an toàn đối với hoạt động của phương tiện thủy phục vụ vui chơi, giải trí (thuyền buồm, dù lượn, cano...) hay vấn đề thoát hiểm của phương tiện thủy cao tốc.

Còn từ góc độ quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện thủy loại nhỏ, theo một số đơn vị đăng kiểm thủy, Luật Giao thông ĐTNĐ quy định, phương tiện thủy chạy bằng động cơ, có tổng công suất máy chính từ 5CV hoặc sức chở từ 5-12 người khi hoạt động trên đường thủy phải có chứng nhận đăng ký, đăng kiểm.

Đây là nhóm phương tiện thủy cỡ nhỏ, khá phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc, được người dân sử dụng vào mục đích dân sinh, sản xuất nông, lâm nghiệp, đi lại, vận chuyển hàng hóa, đánh bắt thủy sản... Tuy nhiên, nhiều năm nay, khu vực trên còn tồn tại nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn tham gia giao thông.

Vì vậy, khi sửa Luật Giao thông ĐTNĐ, cơ quan có thẩm quyền nên xem xét mở rộng phạm vi quy định đối tượng không thuộc diện đăng ký, đăng kiểm để phù hợp hơn với loại phương tiện có trọng tải toàn phần từ 5 đến 15 tấn, công suất máy từ 5 đến 15CV.

Cùng với đó, phương tiện thủy và cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy cũng gắn liền với nhau, với thực tế hiện nay là có sự phát triển không đồng đều, thậm chí có địa phương rất ít cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như liên quan đến tiêu chí về mặt bằng, bến thủy, giấy phép xây dựng, nhu cầu… Để giải quyết, cần sự định hướng từ trong quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ để có cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư hoặc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương đối với sự phát triển của lĩnh vực này.