Ảnh minh họa |
Còn nhiều bất cập
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị định 171, Thanh tra giao thông đã phát hiện hơn 246.000 vụ vi phạm, xử phạt hơn 236.000 vụ với hơn 550 tỷ đồng, tạm giữ 1.900 ô tô.
Với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), trong lĩnh vực đường sắt đã lập biên bản trên 3.100 trường hợp vi phạm; lĩnh vực đường bộ đã lập biên bản gần 7 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 4.200 tỷ đồng, tạm giữ hơn 51.000 ô tô, hơn 851.000 xe mô tô…
Tuy nhiên, Nghị định 171 cũng đã phát sinh nhiều lỗ hổng cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
“Nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vượt thẩm quyền của giám đốc công an tỉnh, hay trưởng phòng CSGT… do đó phải thực hiện nhiều thủ tục trình lãnh đạo cấp trên ra quyết định xử phạt, làm kéo dài thời gian xử phạt hành chính. Thủ tục giải quyết các phương tiện bị tạm giữ, nhưng chủ phương tiện, người vi phạm không đến nhận còn rườm rà, phức tạp, số lượng phương tiện bị tồn đọng lớn gây lãng phí xã hội, áp lực lên cơ quan thực thi công vụ”, ông Hoàng Thế Tùng nêu vấn đề.
Cùng ý kiến với ông Hoàng Thế Tùng, đại diện Phòng CSGT tỉnh Hà Nam cho biết: Nhiều trường hợp xử phạt rất khó khăn. Có những vi phạm nếu trưởng phòng CSGT xử thì tối đa là 8 triệu đồng, nhưng nếu chuyển cho giám đốc Sở GTVT thì có thể xử phạt tới 20 triệu đồng. Thời gian chuyển các cấp như vậy kéo dài, rất khó khăn cho xử phạt hành chính.
“Việc tước giấy phép lái xe cần điều chỉnh lại theo hướng khi đối tượng đến nộp phạt mới bắt đầu tước bằng lái, vì hiện nay tước bằng lái ngay khi xử lý vi phạm, có nhiều trường hợp chờ tới gần hết thời hạn xử phạt mới tới lấy giấy phép, vậy là họ chỉ bị xử phạt 1-2 ngày là xong”, đại diện tỉnh Hà Nam cho biết.
Những bất cập liên quan đến xe khách cũng trở nên “nóng” khi Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đưa ra vấn đề xử phạt với xe khách chở quá số người quy định.
Theo ông Dánh, mặc dù đã có nhiều biện pháp xử lý như giao trách nhiệm cho chủ bến xe khách, các lực lượng tuần tra kiểm soát ngay cửa bến, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Thậm chí, ngay trên đường cao tốc hành khách vẫn đứng chờ xe.
“Liệu có nên quy định xử phạt cả hành khách đứng đường cao tốc bắt xe, vì như vậy là cả 2 bên đều vi phạm?”, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh đặt ra câu hỏi.
Dẫn chứng cho lời Phó Cục trưởng Cục CSGT, ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Giám đốc Sở GTVT Lào Cai cho biết: “Vừa qua, trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai, một xe khách dừng đỗ để chuyển 2 bà cụ đi sang đường khiến một ô tô con không phanh kịp đã đâm chết 2 người này. Việc xe khách dừng đỗ đón khách trên cao tốc là đặc biệt nguy hiểm”.
Sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt
Đại diện Phòng CSGT tỉnh Hà Nam đề xuất cần tăng nặng mức phạt với loại xe đóng giả xe hợp đồng. Ví dụ như ở đường Trần Khát Chân (Hà Nội), vào cuối ngày rất nhiều xe khách trá hình xe hợp đồng đi Huế, nhưng khi lực lượng thanh tra đến kiểm tra thì các xe này đều đổi phù hiệu.
Ông Nguyễn Văn Thạo cũng đồng tình với ý kiến đại diện tỉnh Hà Nam, vì thực tế hiện nay hình thức xe khách hợp đồng rất khó quản lý; xe khách tuyến Hà Nội-Lào Cai còn ký hợp đồng giữa nhà xe với ô tô ngay trên toa tàu.
“Nếu không có chế tài xử phạt thì đây là một trong các nguyên nhân gây ra lộn xộn trong vận tải hành khách. Cần có quy định riêng về nội dung xe khách hợp đồng. Những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc rất bức xúc với những đối tượng này”, ông Thạo chia sẻ.
Liên quan đến chế tài xử phạt hành vi chở quá tải, ông Trần Quang Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 2 đề nghị điều chỉnh tăng nặng mức xử phạt với chủ phương tiện thực hiện hành vi giao hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện mà tổng trọng lượng cho phép của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa và người) vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường trên 20-50%.
Cụ thể, mức xử phạt tiền hiện hành với chủ xe là cá nhân từ 2-4 triệu đồng, xử phạt với chủ xe là tổ chức từ 4-8 triệu đồng. Đề nghị điều chỉnh mức xử phạt tăng thêm, với cá nhân phạt tiền từ 12-14 triệu đồng, với tổ chức phạt tiền từ 24-28 triệu đồng.
Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định: Dù đa số ý kiến đều cho rằng nên tăng nặng hình thức xử phạt, nhưng việc chuyển đổi hành vi sang xử lý hình sự phải nghiên cứu rất kỹ; một số hành vi lại có thể giảm mức xử phạt, vì nhiều trường hợp là tội của doanh nghiệp, chứ không phải tội của người lái: Chủ doanh nghiệp bảo lái xe cứ bỏ xe lại, các việc khác họ xử lý hết, nên việc lái xe chống đối, bỏ xe là chuyện dễ hiểu.
Với việc sửa đổi Nghị định 171 lần này Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của tất cả các sở, ban, ngành và cố gắng soạn thảo theo hướng đề cập tới mọi khía cạnh hành vi, mức độ, thẩm quyền xử phạt.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.