Tai nạn giao thông đường sắt năm 2021 và một số kiến nghị, đề xuất

08/05/2022 09:52

Trật tự ATGT đường sắt hiện nay đặt ra nhiều thách thức: số vụ tai nạn còn cao, số người chết giảm chậm, còn nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.


Trong năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có tác động đến tình hình trật tự ATGT đường sắt. Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trên toàn quốc tiếp tục nhận được sự chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, với sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận, chia sẻ của người dân, trật tự ATGT đường sắt được đảm bảo. TNGT đường sắt 8 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 giảm 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT đường sắt hiện nay vẫn đặt ra nhiều thách thức: số vụ tai nạn còn cao, số người chết do TNGT đường sắt giảm chậm, nhiều vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra, làm chết và bị thương nhiều người. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không chỉ xảy ra trên các tuyến đường chính, ở các đô thị lớn mà còn gia tăng tại địa bàn các vùng nông thôn, miền núi.

Tình hình, đặc điểm TNGT đường sắt

Theo số liệu báo cáo của Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia (tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/8/2021), trên các tuyến đường sắt toàn quốc xảy ra 47 vụ, làm chết 41 người, bị thương 12 người; so với cùng kỳ năm trước giảm 19 vụ (-28,79%), giảm 12 người chết (-22,64%) và giảm 3 người bị thương (-20%). Tuyến đường sắt có tỷ lệ xảy ra tai nạn cao nhất là Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lào Cai.

- Đặc điểm TNGT đường sắt:

Kết quả phân tích các vụ TNGT đường sắt trong 8 tháng năm 2021 cho thấy:

 - Hình thức gây TNGT:

Qua phân tích 47 vụ TNGT đường sắt trong 8 tháng đầu năm 2021 do Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cung cấp thì hình thức gây TNGT là tàu cán người và tàu hỏa đâm va phương tiện mô tô chiếm tỷ lệ cao, cụ thể:

+ Tàu va cán người: 25 trường hợp (chiếm 53,19%);

+ Ô tô đâm va với tàu hỏa: 9 trường hợp (chiếm 19,14%);

+ Xe mô tô đâm va với tàu hỏa: 11 trường hợp (chiếm 23,4%);

+ Xe đạp đâm va tàu hỏa: 1 trường hợp (chiếm 2,13%);

+ Máy kéo, công nông đâm va tàu hỏa: 1 vụ (chiếm 2,13%).

Biểu đồ 1: Hình thức va chạm giao thông

Biểu đồ 1: Hình thức va chạm giao thông

- Thời gian xảy ra TNGT:

Khoảng thời gian từ 12h - 18h và 6h - 12h là khoảng thời gian xảy ra TNGT nhiều nhất trong ngày. Các khung thời gian khác ít hơn, trong đó ít nhất là từ 0h - 6h, cụ thể:

+ Từ 0h - 6h: 6 vụ, chiếm 12,76%;

+ Từ 6h - 12h: 14 vụ, chiếm 29,78%;

+ Từ 12h - 18h: 17 vụ, chiếm 36,17%;

+ Từ 18h - 24h: 10 vụ, chiếm 21,27%.

Biểu đồ 2: Thời gian xảy ra TNGT

Biểu đồ 2: Thời gian xảy ra TNGT

- Nguyên nhân gây ra TNGT:

Kết quả phân tích cho thấy nguyên nhân gây TNGT đường sắt cho thấy chủ yếu do người đi bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đi qua đường sắt chủ quan, lơ là, không chú ý quan sát bị tàu va, cán, gạt, đặc biệt có các trường hợp cố tình vượt qua đường sắt khi tàu đã tới gần. Ngoài ra, một số vụ TNGT liên quan đến ý thức tự giác tuân thủ và thực hiện các quy trình chạy tàu chưa tốt.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, phân tích trên 47 vụ TNGT đường sắt cho thấy:

+ Do phương tiện giao thông đi qua lối tự mở trái phép: 31 vụ (chiếm tỷ lệ 65,9%);

+  Do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ đi qua đường ngang phòng vệ bằng biển báo: 8 vụ (chiếm tỷ lệ 17%);

+ Do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ đi qua đường ngang phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động : 4 vụ (chiếm tỷ lệ 8,5%);

+ Do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ đi qua đường ngang có người gác: 2 vụ (chiếm 4,2%);

+ Do các nguyên nhân khác: 1 vụ (chiếm 2,1%).

-  Giới tính của người bị TNGT:

Số liệu phân tích cho thấy, người bị tai nạn là nam giới chiếm tỉ lệ chủ yếu, nữ giới chiếm tỉ lệ thấp hơn nhiều lần so với nam giới, cụ thể phân tích 47 vụ TNGT đường sắt cho thấy:

+ Nam giới: 43 trường hợp, chiếm 91,49%;

+ Nữ giới: 4 trường hợp, chiếm 8,51%.

Biểu đồ 3: Giới tính của người bị TNGT

Biểu đồ 3: Giới tính của người bị TNGT

- Độ tuổi của người bị TNGT:

Người bị TNGT trong độ tuổi từ 27 - 55 và từ 18 - 27 chiếm tỉ lệ cao nhất. Các độ tuổi khác chiếm tỉ lệ nhỏ, cụ thể:

+ Dưới 18 tuổi: 3 trường hợp, chiếm 6,38%;

+ Từ 18 đến 27 tuổi: 16 trường hợp, chiếm 34,04%;

+ Từ 27 đến 55 tuổi: 23 trường hợp, chiếm 48,93%;

+ Trên 55 tuổi: 5 trường hợp, chiếm 10,63%.

Biểu đồ 4: Độ tuổi của người bị TNGT

Biểu đồ 4: Độ tuổi của người bị TNGT

Một số kiến nghị đề xuất với các cơ quan chức năng

- Đối với ngành GTVT:

+ Bộ GTVT cần khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy triển khai thực hiện Luật Đường sắt năm 2017. Giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các văn bản đã ban hành của các đơn vị trực thuộc và các đơn vị có liên quan như: Thông tư số 03/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; Thông tư số 13/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 21/2018/TT-BGTVT về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt; Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT Quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành GTVT đường sắt; Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt...;

+ Chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị thành viên tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao điều kiện ATGT đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; xử lý hiệu quả các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, các vị trí đường ngang đường sắt; thực hiện đồng bộ công tác thẩm định, thẩm tra ATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an và các địa phương tăng cường điều tiết giao thông vào mùa mưa lũ tại các đường ngang, nhất là các đường ngang dân sinh nhằm bảo đảm trật tự ATGT. Đối với việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với Cục CSGT, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ Công an trong việc bảo đảm trật tự ATGT đường sắt cần thực hiện nghiêm túc, đúng nội dung đã ký kết theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên. Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; có kế hoạch sơ kết, tổng kết hàng năm để kịp thời rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trên thực tiễn;

+ Chỉ đạo các đơn vị thành viên quản lý các đoạn tuyến phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan công an trong việc giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt; đóng các đường ngang dân sinh mở trái phép, nhất là các đường ngang trái phép được xác định là “điểm đen” về TNGT đường sắt, điểm tiềm ẩn TNGT đường sắt theo đúng các tiêu chí được xác định tại mục 2, Chương II, Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đường sắt; tiếp tục chủ động phối hợp với ban ATGT các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, đặc biệt là chính quyền cơ sở và các đơn vị có liên quan để thống kê, rà soát, quản lý các loại giao cắt, loại hình phòng vệ, đề xuất nâng cấp, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế; phối hợp từng bước xử lý dứt điểm các công trình xây dựng trong phạm vi đường ngang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành an toàn giao thông đường sắt, phát quang tầm nhìn cả 2 phía đường bộ và đường sắt tại các vị trí giao cắt; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cảnh giới, chốt gác cho địa phương, cung cấp trang thiết bị cần thiết cho các điểm cảnh giới hoặc chốt gác theo quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-BGTVT; bố trí người cảnh giới tại các đường ngang biển báo có diễn biến phức tạp; phối hợp với chính quyền địa phương triển khai cắm biển “Chú ý tàu hỏa” còn thiếu, thu hẹp tại các lối đi tự mở nguy hiểm; quản lý tốt đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ nhân viên lái tàu, gác chắn đường ngang, cầu chung;

+ Tập trung triển khai các giải pháp để khắc phục ngay các yếu tố chủ quan gây mất ATGT đường sắt; rà soát lại các quy trình tác nghiệp quản lý an toàn từ tổng công ty xuống đến các đơn vị trực thuộc theo đúng quy định hiện hành, đặc biệt là các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, tuyệt đối không được để xảy ra những vụ tai nạn có yếu tố chủ quan.

- Đối với ngành Công an:

+ Phối hợp với các đơn vị có liên quan và công an các địa phương có đường sắt đi qua thực hiện các giải pháp phòng ngừa TNGT tại các vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt, các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt; tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong đó chú trọng kiểm tra các đơn vị đường sắt, tại các đường ngang. Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát cần chủ động phát hiện những tồn tại bất cập trên các tuyến đường sắt, nhất là các vị trí đường ngang để kiến nghị với ngành Đường sắt, chính quyền địa phương và các sở GTVT địa phương kịp thời khắc phục, giải quyết;

+ Tăng cường chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương có đường sắt đi qua chủ động bố trí lực lượng tiến hành hoạt động chỉ huy, điều khiển giao thông tại các đường ngang phức tạp trên địa bàn, nhất là các vị trí nguy hiểm đối với an toàn đường sắt, “điểm đen” về TNGT đường sắt;

+ Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, công an các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua làm tốt công tác điều tra cơ bản về tình hình trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn, nắm rõ vị trí nguy hiểm đối với an toàn đường sắt, “điểm đen” về TNGT đường sắt; các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt; chủ động bố trí lực lượng tham gia tổ công tác liên ngành ở địa phương trong việc xử lý, thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở; giải quyết xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt;

 + Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với lực lượng công an ở 33 địa phương có đường sắt đi qua, làm tốt công tác tuyên truyền đối với người dân không ném đất, đá lên tàu, ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu và an toàn cho hành khách trên tàu; chủ động nắm tình hình kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp người dân ném đất, đá lên tàu cũng như có các hành vi xâm hại đến công trình đường sắt và đe dọa an toàn chạy tàu.

- Đối với cơ quan thông tin truyền thông:

 Các cơ quan thông tin truyền thông (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí khác) chủ động xây dựng chương trình tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về đường sắt đến với đông đảo quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau, cụ thể:

+ Các cơ quan báo chí cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền Luật Đường sắt và các văn bản có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng phóng sự về hoạt động kinh doanh, vận tải đường sắt; về an toàn đường sắt; giới thiệu những gương người tốt việc tốt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, những mô hình bảo đảm trật tự ATGT đường sắt hay và hiệu quả;

+ Duy trì thực hiện chương trình: Tiêu điểm giao thông: “Vì bình yên đường sắt” phát sóng trong khung giờ cao điểm 16h30 - 19h30 thứ sáu hàng tuần trên sóng kênh VOV giao thông; tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ATGT đường sắt trên các báo lớn: Nhân dân, Tiền phong, Tuổi trẻ, Giao thông...

+ Thường xuyên tuyên truyền biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, nhất là những tấm gương tự giác tham gia công tác bảo đảm ATGT đường sắt tại những đường ngang dân sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Đối với các ban, ngành, đoàn thể quần chúng:

+ Các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đường sắt nhằm nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên thuộc ngành Đường sắt và người tham gia giao thông; đặc biệt đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật về đường sắt đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, nhất là những cụm dân cư sinh sống hai bên đường sắt. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh phong trào “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” giai đoạn 2016 - 2021; phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trên địa bàn nông thôn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trật tự ATGT. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, người lao động tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Hội Cựu chiến binh Việt Nam đẩy mạnh phòng trào nêu cao tính gương mẫu trong chấp hành Luật Giao thông và phong trào cựu chiến binh tham gia giữ gìn trật tự ATGT đường sắt nhất là việc thành lập các tổ tự quản về bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang dân sinh tại các địa bàn dân cư;

+ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình về vận động nhân dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, đặc biệt vận động nhân dân tự giác tham gia các tổ tự quản bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang, các mô hình về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt tại địa bàn dân cư; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức thành viên thực hiện cuộc vận động xây dựng các mô hình bảo đảm trật tự ATGT đường sắt ở cơ sở như mô hình: “Đoạn đường sắt an toàn” của xã Lê Thiện, huyện An Dương. TP. Hải Phòng, mô hình “Điểm cảnh giới đường ngang cục chiến binh khăn quàng đỏ” của xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế; mô hình: “Khu dân cư bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định...; tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chính sách về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt và các dự án phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, nhất là các dự án đường sắt đô thị và dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tình hình trật tự ATGT đường sắt cơ bản được đảm bảo nhưng vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Để cho mỗi chuyến tàu được xuất phát đi trong sự bình yên, thuận lợi và an toàn, để cho mỗi đường sắt không còn là những cung đường nguy hiểm đe doạ an toàn chạy tàu, tới tính mạng, sức khỏe của người dân thì cần được sự ủng hộ, đồng thuận của tất cả các ngành, các cấp và mọi công dân. Bảo đảm trật tự ATGT, đấu tranh ngăn chặn TNGT đường sắt là cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài gắn liền với công cuộc đấu tranh làm giảm TNGT nói chung nhằm đạt được một bước chuyển biến lớn trong nhận thức của người tham gia giao thông.

ThS. Nguyễn Như Linh
Học viện Cảnh sát nhân dân

Ý kiến của bạn

Bình luận