Tai nạn giao thông nỗi đau không của riêng ai

Giao thông 24h 25/11/2020 14:22

Mỗi ngày ở Việt Nam hiện nay vẫn có khoảng 20 người ra đường mãi mãi không bao giờ trở về nhà, cùng với khoảng gấp 3 con số đó phải chịu thương tật vì TNGT. “Cơn ác mộng” TNGT không loại trừ bất kỳ một ai và luôn có thể xảy ra trong mọi thời khắc tham gia giao thông. Nhân Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân TNGT do Đại hội đồng Liên hợp quốc phát động (22/11), Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia về những hoạt động thực chất kéo giảm TNGT và các hoạt động xoa dịu nỗi đau do TNGT gây ra.

 

TVU09899

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

 Thưa ông, là người đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia với nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo điều hành, điều phối các hoạt động đảm bảo trật tự ATGT của Ủy ban ATGT Quốc gia, ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng TNGT tại nước ta?

Trong bối cảnh đất nước phát triển mạnh mẽ từng ngày, số lượng phương tiện giao thông gia tăng rất nhanh chóng, theo quy luật thông thường thì TNGT cũng gia tăng theo, nhưng quy luật này đã không xảy ra tại Việt Nam, đúng hơn là ngược lại.

Năm 2019, số người chết do TNGT đã được kéo giảm xuống dưới mức 8.000 người - bằng con số của năm 2000, trong khi số lượng phương tiện tăng 9 lần. Từ đầu năm đến nay, tiếp nối kỳ tích đạt được vào năm 2019, công tác đảm bảo trật tự ATGT tiếp tục đạt được nhiều kỷ lục mới về giảm TNGT cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương với mức giảm đều vượt quá kỳ vọng.

Đây là minh chứng rõ nét về nỗ lực vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay của toàn xã hội trong những năm gần đây nhằm kéo giảm TNGT sâu và toàn diện. Hơn hết, môi trường giao thông của Việt Nam đang ngày càng trở nên an toàn và văn minh hơn rất nhiều, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, những “điểm sáng” đó không có nghĩa là TNGT không còn là hiểm họa. Hãy nhìn nhận một cách thực chất rằng, TNGT vẫn không ngừng xảy ra mỗi ngày, reo rắc đau đớn, làm xói mòn các thành tựu phát triển xã hội.

Tại sao lại có những cảnh tang tóc, những nỗi đau đớn thể xác tột độ; những mất mát về nhân mạng, tài sản giữa thời bình hiện còn lớn hơn cả trong thời chiến tranh? Đó là bởi sự coi thường tính mạng bản thân, người thân và cộng đồng xã hội. Thực tế chỉ ra rằng, hầu hết TNGT đều có nguyên nhân trực tiếp là do hành vi vi phạm pháp luật trật tự ATGT, vi phạm các nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông.

Chúng ta không còn cảm thấy lạ lẫm khi nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện uống rượu, bia say xỉn nhưng vẫn lái xe; cha mẹ đèo con nhưng không đội mũ bảo hiểm, ngang nhiên vi phạm Luật Giao thông đường bộ; tài xế xe khách mang trọng trách vận chuyển hàng chục người nhưng vẫn uống rượu, bia, sử dụng ma túy hoặc lái xe liên tục đến mức ngủ gật gây tai nạn...

DSC04863
 

 Hiểm họa TNGT luôn hiện hữu và “gốc rễ” vẫn nằm phần nhiều ở nhận thức, kiến thức và ý thức của người dân. Vậy, để thay đổi điều này, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

Thay đổi hành vi xã hội không phải là chuyện “một sớm, một chiều”. Nhiều năm gần đây, chúng ta đã từng bước thay đổi và minh chứng sự chuyển biến tổng thể rất tốt. Tất cả các biện pháp đang được triển khai đồng bộ đều cần thiết và có hiệu quả cao.

Nhưng cần phải khẳng định rằng, để thay đổi thực chất TNGT thì không thể chỉ dựa vào những biện pháp mạnh, những “cú đấm thép” từ cơ quan chức năng mà phải dựa phần lớn vào nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông. Bởi, nếu người tham gia giao thông không vi phạm giao thông thì chắc chắn nguy cơ xảy ra TNGT sẽ rất thấp. Nhưng nếu người dân chỉ đơn thuần là chấp hành quy định pháp luật mà không thực sự hiểu về hiểm họa TNGT thì sự tự giác đó sẽ không thực chất.

Hãy thử hình dung đơn giản nhất về hậu họa của TNGT. Nếu chẳng may, một người nào đó bị thiệt mạng do TNGT thì gia đình họ sẽ rơi vào cảnh cha mẹ xa con, con trẻ mồ côi và đối diện với tương lai đầy trắc trở, khó mà vươn lên được; vợ chồng xa cách, anh chị em vĩnh viễn xa nhau, gia đình ly tán, khuynh gia bại sản..., biết bao nỗi đau thương ấy sẽ giày xéo nhiều kiếp người. Điều đó đáng sợ lắm!

Để truyền tải những thông điệp thực chất, kể từ năm 2012, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phát động “Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân TNGT đường bộ” tại Việt Nam và bền bỉ triển khai suốt 9 năm qua. Với thông điệp xuyên suốt là “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” và “Tính mạng con người là trên hết”, các hoạt động tưởng niệm nạn nhân TNGT là dịp để chúng ta tưởng nhớ và thương cảm với những đồng bào không may qua đời khi tham gia giao thông, cùng chia sẻ để phần nào xoa dịu nỗi đau đối với thân nhân của họ.

Từ những hành động tưởng nhớ người tử vong do TNGT có ý nghĩa như thế nào đối với người ở lại, thưa ông?

Chắc chắn một điều là ai cũng muốn giữ cho bản thân và người thân của mình không gặp TNGT, nên chúng ta thay vì thờ ơ thì hãy làm hết sức mình mỗi ngày để tránh TNGT. Hãy nhớ rằng, mỗi ngày vẫn còn khoảng 20 người ra đi mãi mãi và khoảng 60 người thương tật vì TNGT. Ngày tưởng niệm là thời khắc để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống và sự cần thiết phải chấp hành luật giao thông, nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông.

Về các hoạt động tưởng niệm, chương trình này đã trở thành một trong những công cụ quan trọng trong nỗ lực chung của toàn cầu cũng như của Việt Nam nhằm giảm thiểu TNGT. Thông điệp chính gửi đến toàn xã hội là lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu do TNGT, đồng thời kêu gọi sự chung tay cùng hành động của từng cá nhân, tổ chức, cộng đồng để ngăn chặn, đẩy lùi và cùng sẻ chia, xoa dịu những nỗi đau mà TNGT gây nên.

Ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT tại Việt Nam được Chính phủ thực hiện theo lời kêu gọi của Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2012, đồng thời hưởng ứng Chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ giai đoạn 2011 - 2020” của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Trong 9 năm qua, hòa vào nỗ lực chung của toàn nhân loại, cứ đến dịp này, nhân dân trên toàn thế giới đều tổ chức các hoạt động giống như Việt Nam đã và đang làm. Trên thực tế, những hoạt động này đã đóng góp rất quan trọng trong việc làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.

Trong những năm qua, chuỗi hoạt động tưởng niệm đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả cao, tương đối sâu rộng, bao trùm xã hội. Trong năm thứ 9, dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội nhưng những hoạt động nhân đạo thiết yếu này vẫn sẽ được duy trì tổ chức, đảm bảo sự phù hợp với bối cảnh thực tế và là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Chuỗi hoạt động sẽ tiếp tục được tổ chức thống nhất trên cả nước, bảo đảm thiết thực và hiệu quả, tạo sự quan tâm, chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Ngoài hai thông điệp chính trên thì còn có các thông điệp khác nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, giảm thiểu TNGT như: Đã uống rượu, bia - không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; đi đúng phần đường, làn đường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận