Thống kê của bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội) cho biết, tỷ lệ nạn nhân TNGT, chấn thương sọ não là nam giới chiếm tới 70%. Độ tuổi của các nạn nhân từ 20 đến 50 tuổi chiếm tới 68%. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, TNGT gây thiệt hại nền kinh tế Việt Nam khoảng 2,5% GDP.
Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, không chỉ tại bệnh viện Việt Đức mà thống kê của các cơ quan chức năng cũng cho thấy con số tương tự khi nạn nhân TNGT chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 đến 55, chiếm gần 70%. Trong đó, nhóm dưới 27 tuổi chiếm khoảng 35%.
Lý giải về việc TNGT gây thiệt hại nặng nề lớn tới GDP là bởi, phần lớn nạn nhân TNGT là lực lượng lao động chính của xã hội, là trụ cột kinh tế của gia đình. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng gây nên thiệt hại.
Ngày 11/11, đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia đã tới thăm hỏi các nạn nhân TNGT tại bệnh viện Việt Đức, đồng thời trao tặng 10 suất quà, trị giá 2 triệu đồng/suất tới các gia đình có nạn nhân gặp TNGT có hoàn cảnh khó khăn.
Ủy ban ATGT Quốc gia trao quà cho thân nhân các nạn nhân TNGT đang điều trị tại bệnh viện Việt Đức. |
Đang điều trị tại bệnh viện Việt Đức, thân nhân của nạn nhân Nguyễn Đức Khôi (47 tuổi, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) xót xa cho biết, anh Khôi gặp TNGT giữa hai xe máy trên đường đón con và bị chấn thương sọ não, gãy 1/3 cẳng chân. Gia đình vốn rất khó khăn và anh Khôi là trụ cột của cả gia đình. Nhưng nay, anh phải nằm viện, cả nhà chỉ còn 5 triệu đồng là tiền vay vốn từ Quỹ nước sạch.
Đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia thăm hỏi, trao quà hỗ trợ nạn nhân Nguyễn Đức Khôi. |
Đoàn công tác thăm hỏi nạn nhân TNGT Hoàng Quốc Phương (17 tuổi, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) được chuyển lên bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nhiễm trùng vết mổ. |
Nạn nhân Ngô Thị Tầm (60 tuổi, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) bị chấn thương sọ não khi lưu thông bằng xe điện và va chạm với xe ô tô. Gia đình bà Tầm vốn có hoàn cảnh khó khăn, nay bà gặp nạn khiến cả gia đình càng khó khăn hơn bởi kinh phí điều trị vô cùng tốn kém. |
Bé Trần Thành Công mới lên 3 tuổi đã phải hứng chịu những thương tật do TNGT. Mẹ cháu Công cho biết, cháu gặp nạn khi đang chơi ở trước cửa nhà tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam thì bất ngờ có 2 học sinh cấp 3 phóng xe đâm thẳng vào cháu. |
Vụ tai nạn khiến Công bị máu đọng màng cứng, vùng mặt bên phải bị sưng nặng. |
Trao đổi với lãnh đạo bệnh viện Việt Đức, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao sự đóng góp của đội ngũ y bác sỹ trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại TNGT xuyên suốt những năm gần đây. Trong đó, bệnh viện Việt Đức là nơi tuyến cuối điều trị nạn nhân TNGT, nên công việc của các bác sỹ, y tá tại bệnh viện là hết sức nặng nề.
Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao sự đóng góp của đội ngũ y bác sỹ đã góp phần rất lớn trong nỗ lực chung về xoa dịu nỗi đau TNGT. |
Ông Khuất Việt Hùng khẳng định, TNGT vẫn xảy ra mỗi ngày, song thiệt hại thì giảm mạnh mẽ liên tiếp qua từng năm. Giảm TNGT là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ cùng sự chung tay sâu, rộng của toàn xã hội. Trong đó, nỗ lực cứu chữa nạn nhân được xem là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để xoa dịu nỗi đau do TNGT gây ra.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức, Trưởng khoa phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Việt Đức bày tỏ, Ủy ban ATGT Quốc gia trong những năm qua luôn dành sự quan tâm rất lớn tới các nạn nhân TNGT, thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ những nạn nhân nghiêm trọng tại bệnh viện Việt Đức. Những sự hỗ trợ này rất thiết thực khi phần nào giúp các nạn nhân và thân nhân của họ sớm ổn định lại cuộc sống.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ bày tỏ, TNGT là điều có thể tránh được nếu người tham gia giao thông có thái độ nghiêm túc, tuân thủ các quy tắc an toàn, tuân thủ pháp luật. |
“Nhiều lần tôi nghe tin có TNGT ở tận miền Nam, miền Trung, nhưng ngay khi xem tivi đã thấy anh Khuất Việt Hùng có mặt tại hiện trường rồi. Đó là sự tận tâm, tấm lòng rất lớn của những người làm công tác đảm bảo TTATGT”, ông Đồng Văn Hệ bày tỏ.
Cũng theo ông Hệ, vì là tuyến cuối nên các ca nhập viện Việt Đức thường rất nặng. Điều đáng nói, hầu hết các ca nhập viện do TNGT là bị nạn trong những tình huống có thể tránh được, ví dụ như lái xe máy không đội mũ bảo hiểm dẫn tới chấn thương nặng ở vùng đầu; say rượu lái xe; lạng lách đánh võng;… Đây quả thật là điều vô cùng đáng tiếc.
Theo TS Đỗ Mạnh Hùng, tại bệnh viện Việt Đức, tỷ lệ nạn nhân có nồng độ cồn cao trong máu chiếm 17,5%; tỷ lệ tử vong do TNGT chiếm 3,5%. |
Theo TS Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (bệnh viện Việt Đức), mỗi năm tiếp đón từ 15 đến 17 nghìn trường hợp nhập viện Việt Đức do TNGT, tai nạn thương tích. Tỷ lệ nạn nhân chấn thương sọ não chiếm tới 48%; tỷ lệ nạn nhân có nồng độ cồn cao trong máu chiếm 17,5%; tỷ lệ tử vong do TNGT chiếm 3,5%.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, từ đầu năm đến nay, nỗ lực kéo giảm TNGT đã đạt bước đột phá rất lớn khi liên tục đạt mức giảm từ 10 đến 20% về số vụ, số người chết và số người bị thương, trong khi mục tiêu đề ra là từ 5 đến 10%.
Ông Khuất Việt Hùng khẳng định, TNGT được kéo giảm sâu như hiện nay là nhờ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 cũng như Kế hoạch Năm ATGT “Đã uống rượu bia - Không lái xe” đi sâu vào thực tiễn cuộc sống, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội cũng như sự cương quyết trong thực thi pháp luật của cơ quan chức năng. Đây chính là động lực quan trọng nhất để kéo giảm TNGT một cách sâu và toàn diện khi tỷ lệ giảm sâu nhất về TNGT trong 10 năm trở lại đây.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.